Vì sao cô giáo 37 năm đi dạy mà lương hưu chỉ 1,3 triệu?

31/10/2017 - 17:27
Sáng 31/10, các đại biểu đặt lên nghị trường Quốc hội về trường hợp một cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh công tác 37 năm nhưng khi về hưu chỉ nhận được đồng lương vẻn vẹn có 1,3 triệu đồng/tháng.

 

bui-sy-loi-thanh-hoa.jpgĐại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

 

Phát biểu tại hội trường sáng 31/10, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu ra trường hợp cụ thể của bà Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) làm giáo viên mầm non hơn 37 năm, nhưng chỉ được nhận lương hưu có 1.300.000đồng/tháng đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Chị Lan thực chất đi dạy 35 năm nhưng trước đó chỉ đi dạy theo cách tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp của người dân, công điểm”. Thực chất đóng bảo hiểm của chị Lan là 22 năm 8 tháng. Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân của các năm dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 1,8 triệu đồng. Khi chị Lan về hưu thì có 22 năm đóng BHXH, tương đương với 69%. Như vậy, 69% nhân 1,8 triệu tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH thì tính ra, lương hưu của chị Lan chưa được 1,3 triệu đồng.
Thei ông Lợi, Quốc hội rất sáng suốt khi qui định trong luật là tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà về hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được bằng lương cơ sở, nên ngân sách cấp bù cho chị Lan số tiền thiếu so với lương tính toán theo thực tế trên để đạt 1.300.000đ là mức lương cơ sở.

Tranh luận về thực trạng thải loại lao động nữ sau 35 tuổi
Trong phiên thảo luận, khi phát biểu về tình trạng thải loại lao động quá 35 tuổi diễn ra phổ biến ở các khu công nghiệp, đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, bày tỏ đồng tình với nhận định của Chính phủ trong hạn chế về lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội. Đó là tình trạng thiếu việc làm, việc làm không bền vững. Hàng năm, số người từ 30 đến 40 tuổi phải kết thúc hợp đồng lao động tăng mạnh, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Theo thống kê có khoảng 600 đến 700 nghìn người/năm mất việc làm.

Thu nhập nói chung còn thấp, một bộ phận thu nhập không đảm bảo nhu cầu của cuộc sống tối thiểu. “Công nhân đang thiếu thốn đủ bề, từ nhà trọ đến thời gian nghỉ ngơi, các thiết chế văn hóa, phương tiện đi lại, tình cảm để chia sẻ bạn bè. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách lách luật vi phạm trắng trợn các quy định pháp luật về lao động, về bảo hiểm, về công đoàn”, đại biểu Hiểu bày tỏ.

201705311500514630_ndn_6491-ng-duy-hiu-tp-h-ni.jpgĐại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

 

Tranh luận với đại biểu Duy Hiểu về vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi bày tỏ quan điểm khác so với thông tin đã công bố trước đây. Ông Lợi khẳng định: “Khi trực tiếp khảo sát 4 tỉnh là Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bắc Ninh; rõ ràng các doanh nghiệp rất mong muốn giữ lao động ở độ tuổi cao, có kinh nghiệm để làm việc”.

Ông Lợi phân tích: Có ba nguyên nhân đẩy lao động ra khỏi doanh nghiệp. Thứ nhất là hết hợp đồng lao động nhưng ở độ tuổi dưới 30; Hai là những người lao động nhảy việc, thấy doanh nghiệp này nhiều lương hơn doanh nghiệp đang làm nên nhảy sang, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thiếu lao động; Ba là vi phạm pháp luật lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, “tỷ lệ lao động đến tuổi 35 phải nghỉ ở các doanh nghiệp nhìn chung chiếm tỷ lệ rất thấp, nữ càng thấp”, ông Lợi khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Lợi đánh giá cao các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI. “Họ làm nhà trẻ, nhà ở và chăm sóc người lao động rất tốt”. Theo đó, ông Lợi đề nghị các cơ quan có liên quan, đặc biệt là công đoàn, thực hiện cơ chế đối thoại trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật để giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn, tránh tạo ra sự xung đột giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm