pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội "ế"?
Ảnh minh hoạ
Tại Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" trong năm 2024 diễn ra ngày 22/2, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai chương trình gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Theo đó, hiện nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Đến nay mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này. Tổng nhu cầu vay vốn là hơn 30.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó, có 07 dự án đã có nhu cầu giải ngân, số tiền cam kết cấp tín dụng cho 07 dự án này là 1.805 tỷ đồng, đã được giải ngân 531 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền là 4,7 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… khiến các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng … vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm. Bên cạnh đó, theo Luật Nhà ở (2014) quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội như điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà đã tăng cao. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi trong đó một số điều kiện đã được chỉnh sửa tuy nhiên hiện chưa có hiệu lực thi hành.
Cũng theo ông Phạm Thanh Hà, hiện nay, người mua nhà tại một số dự án đã vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với mức lãi suất ưu đãi hơn.
Trong khi đó khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn như: bị cắt giảm nhân sự, giảm lương do không có đơn hàng… dẫn đến nguồn thu nhập của khách hàng sụt giảm. Do đó, khách hàng hiện nay ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải coi việc triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đảm bảo an sinh, đời sống ấm no, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Phía ngân hàng cần rà soát, đánh giá lại. "Cần xem lại chính sách sai ở đâu đó, không nên đề ra những chính sách không đúng với thị trường", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.