pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng mới giải ngân được hơn 100 tỷ đồng?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang - chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng về tỷ lệ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội đang rất thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng trong số 120.000 tỷ đồng và giải pháp đẩy nhanh hơn nữa viềc thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin về chương trình gói 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Theo đó, nghị quyết của Chính phủ là tiến tới mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Đây là gọi tín dụng sử dụng nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng, lãi suất ưu đãi cũng từ các ngân hàng.
NHNN có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố công bố các dự án theo diện cho vay thuộc gói tín dụng này. NHNN yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai. Thời gian qua đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án. Đến nay đã có 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân.
Thống đốc NHNN cho biết, giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng việc đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng. Điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp. Mặt khác, chương trình thực hiện thời gian dài 10 năm nên việc giải ngân theo thời gian NHNN kiến nghị mong UBND các tỉnh thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay. Đồng thời NHNN sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.
Để có 1 triệu nhà ở xã hội cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị
Tranh luận với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, việc ngân hàng giải ngân vốn cho đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động, Thống đốc đã trả lời đúng nhưng chưa đủ. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, để triển khai thực hiện hiệu quả, cần có sự vào cuộc không chỉ riêng ngân hàng mà còn của Bộ Xây dựng, địa phương, tổ chức công đoàn, đặc biệt là người lao động.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, chất lượng, mức giá,... Từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu của người lao động thì mới thực hiện thành công được. Đại biểu mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nhằm đạt được sự đồng thuận, thống nhất, qua đó đảm bảo đề án được thực hiện hiệu quả.
Cũng tại hội trường, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, chất vấn về việc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 14% nhưng báo cáo của Chính phủ cho biết 9 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt 5,91%.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng, đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Về nguồn cung tín dụng, NHNN đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Đồng thời yêu cầu các ngân hàng có giải pháp rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân…
Liên quan đến lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc NHNN cho biết, kết quả các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng cao. Báo cáo 9 tháng thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, qua điện thoại tăng 68%, qua QR Code tăng 105%… Giao dịch qua ATM giảm cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng.
"Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang gia tăng nhanh, dù vẫn còn một số hạn chế do lo ngại của người dân. Tỷ lệ thanh toán tiền mặt giảm xuống còn 9,17% so với 11,3 vào cuối năm 2020", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời.