Vì sao sốt xuất huyết tăng mạnh vào mưa?

24/08/2017 - 12:50
Số bệnh nhân bị sốt xuất huyết tăng nhanh vào mùa mưa là do muỗi vằn, vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển. Dưới đây là những nguyên nhân khiến muỗi vằn tăng nhanh trong thời điểm này.
Hiện các tỉnh miền Bắc vẫn đang trong mùa mưa. Vì thế, dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn không ngừng gia tăng. Tại Hà Nội, đã có hơn 20.000 người bị SXH và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tất cả BV, khoa truyền nhiễm đều quá tải. Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp dập dịch nhưng hiệu quả chưa cao.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), SXH là bệnh nhiễm trùng cấp tính, do virus Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Loài muỗi này có thể dễ dàng nhận dạng nhờ có vằn trắng, các đốt bàn chân sau có những khoang trắng, riêng đốt bàn chân thứ V trắng hoàn toàn, vì vậy thường có tên gọi là “Muỗi vằn”.

muoi_van.jpg
Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết
Chu kỳ phát triển của muỗi vằn Aedes từ lúc đẻ trứng đến phát triển thành bọ gậy trung bình là 7 ngày; thời gian phát triển từ bọ gậy thành muỗi trưởng thành chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày. Muỗi cái chuyên đi hút máu người có thể sống từ 20-40 ngày.

Bệnh SXH lây lan nhanh là do sự phát tán nhanh, lan rộng của muỗi vằn, đặc biệt là trong mùa mưa. Vậy, nguyên nhân nào khiến muỗi vằn phát triển trong thời điểm này?

Lí giải điều này, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, khí hậu nước ta nóng ẩm mưa nhiều vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11. Đây chính là khoảng thời tiết vô cùng thuận tiện cho việc đẻ trứng của muỗi vằn. Sau đó trứng nở thành loăng quăng và phát triển thành muỗi. Đây là thời điểm muỗi vằn phát triển nhanh nhất và truyền bệnh. 

Trong mùa mưa, sẽ có nhiều khu vực bị ngập úng. Các nguồn nước thải, nước đọng không được xử lý hay làm vệ sinh. Đây chính là môi trường thuận lợi cho loài muỗi sinh sản mạnh và khả năng bùng phát thành dịch.

Muỗi vằn có thể ở bất kỳ đâu trong gia đình: Chum nước vỡ, vũng nước lâu ngày không được dọn dẹp… Trong mùa mưa, những vật dụng chứa nước không được dọn dẹp thường xuyên, rác thải lâu ngày không đổ, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.
diet-muoi.jpg
Phun hóa chất diệt muỗi

Một lí do nữa chính là sự chủ quan của người dân. Ngoài việc thờ ơ với công tác phòng chống dịch, nhiều người còn dùng kem chống côn trùng, khi ngủ không mắc màn hay che kín người. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho bệnh SXH gia tăng vào mùa mưa. 

Cũng theo TS Phu, có thể phòng chống sự sinh sôi nảy nở của muỗi vằn bằng cách không để cho muỗi đẻ trứng và phát triển thành bọ gậy. Cụ thể, che đậy kín các dụng cụ chứa nước, với các dụng cụ chứa nước sạch có thể thả cá ăn bọ gậy, thay nước thường xuyên khoảng 7 - 10 ngày một lần; phát quanh bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ không để muỗi có chỗ trú đậu.

Khi muỗi hoạt động mạnh với mật độ cao hay khi đang xảy ra dịch bệnh SXH thì phải sử dụng hóa chất diệt muỗi như malathion, permethrin...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm