Ở khu vực châu Á, mới đây, trên Bangkok Post (1/11/2017) đã mô tả chân dung thế hệ trẻ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang là đối tượng có tỷ lệ sở hữu tài sản thấp nhất so với các thế hệ trước. Khoảng 50% người trẻ trong nhóm này đang phải sống cùng gia đình và gần 1/5 không có dự định chuyển ra sống riêng. Số đông những người trẻ cũng không sẵn sàng trả góp tiền mua nhà lâu dài (thường là các hợp đồng trả góp trong 30 năm). Vì vậy, họ trở thành những người đi thuê nhà hoặc tiếp tục chọn cách dựa, sống cùng cha mẹ.
Còn tại Mỹ, một công trình khác nghiên cứu sự thay đổi về kinh tế và nhân khẩu học của thanh niên từ năm 1975 đến 2016 do Jonathan Vespa, nhà nhân khẩu học của Cục Điều tra dân số Mỹ, công bố vào tháng 4/2017 cũng cho thấy một số điểm tương đồng của thế hệ thiên niên kỷ Mỹ với thanh niên châu Á - Thái Bình Dương ở chỗ họ ngày càng có xu hướng ở cùng gia đình. Họ ngày càng trì hoãn việc lập gia đình, có con cái, ưu tiên nhiều hơn đến việc học và có công ăn việc làm. Vespa đưa ra bốn cột mốc trưởng thành phổ biến là: "cưới vợ, sinh con, có việc làm và sống tự lập" và đưa ra con số chứng minh sự thay đổi.
Tuy nhiên, khi lý giải về lối sống của giới trẻ, trong báo cáo về "Sự nghiệp của thế hệ trẻ: Tầm nhìn 2020" được tập đoàn tư vấn nhân sự toàn cầu Manpower Group công bố năm 2016 cho rằng: thực tế, Thế hệ Thiên niên kỷ bị ám ảnh bởi cuộc suy thoái kinh tế (2007 – 2012), diễn ra vào những năm đầu của thời điểm họ bước vào độ tuổi trưởng thành. Hầu hết Thế hệ Thiên niên kỷ bước vào độ tuổi trưởng thành khi thế giới tài chính đang chao đảo. Từ khủng hoảng nhà đất đến chứng khoán, giá nhà và đặc biệt là lạm phát học phí đã đẩy dư nợ cho sinh viên lên mức cao nhất mọi thời đại.
Chính từ căn nguyên khủng hoảng kinh tế đã trở thành dấu mốc quan trọng dẫn đến những tác động, sự thay đổi về lối sống, niềm tin và cả quyết định của những người trẻ, từ việc kết hôn, mua nhà đến tiết kiệm nghỉ hưu. Nó khiến họ phải vô cùng thận trọng.
Thế hệ Thiên niên kỷ đã có một khoảng thời gian khó khăn tìm việc làm tốt. Họ lo lắng về nợ nần. Những khoản tiết kiệm đang có đều thu lợi nhuận thấp.
Vì vậy, Thế hệ Thiên niên kỷ đang bắt buộc thích nghi. Một cuộc khảo sát gần đây ở Mỹ cho thấy 3/4 những người trong độ tuổi 18 – 26 hạn chế tiêu dùng của mình. Thế hệ Thiên niên kỷ trì hoãn việc mua nhà và lập gia đình vì chúng quá đắt đỏ. Nói cách khác, họ không muốn chịu thêm rủi ro. Theo một khảo sát của Merrill Lynch, 1/3 số người trong Thế hệ Thiên niên kỷ lùi quyết định có con lại để lên kế hoạch tài chính trước. Chỉ có 1/6 người thuộc Thế hệ này tin rằng họ có thể dựa vào An sinh Xã hội trong 20 năm. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là họ đúng hoàn toàn. An sinh Xã hội Mỹ cũng đang phải đối mặt với những thách thức về tài chính...
Những gì đang diễn ra trong lối sống của giới trẻ (sống cùng cha mẹ, nhanh chóng nhảy việc, chậm trễ việc kết hôn, chưa tính đến tài khoản tiết kiệm cho tuổi già…) chính là những quyết định sự cẩn trọng – nó giúp họ không đưa ra những quyết định “vượt tầm”. Ví dụ như họ sẽ không mua nhà, không lập gia đình, sinh con... khi họ chưa đủ tiền, hoặc cà thẻ tín dụng để mua truyền hình mà họ không thật sự cần. Họ có một khoản nợ tiền học phải trả ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, và họ biết rằng nó dễ biến thành nợ xấu.