Vì sao trẻ liên tục tái phát viêm tai, mũi, họng

07/12/2016 - 16:42
Trẻ liên tục bị tái phát bệnh viêm tai, mũi, họng mà không rõ nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, tình trạng này một phần do phụ huynh không tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hoài (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang cùng con ngồi ở hành lang chờ đến lượt vào khám. Chị Hoài cho biết, bé nhà chị 15 tháng tuổi nhưng thường xuyên phải điều trị bệnh về tai-mũi-họng. Tình trạng này bắt đầu từ khi bé 11 tháng tuổi, khi đó bé bị viêm họng, sổ mũi. Từ đó đến nay, trung bình mỗi tháng 1 lần, chị đưa con đến phòng khám tư khám về tai-mũi-họng khám và điều trị.

“Mỗi lần thời tiết thay đổi là bé bị viêm họng, sổ mũi. Nếu mình không đưa điều trị kịp thì đến ngày thứ 2-3, bé lại viêm tai giữa. Sau khi dùng thuốc và kháng sinh, thấy bé đỡ thì gia đình cho dừng vì sợ bé bị kháng thuốc. Vì vậy, có đợt bác sĩ cắt thuốc cho uống 5 ngày nhưng đến ngày thứ 3 thấy bé đỡ là mình dừng ngay. Vài hôm sau, khi thời tiết thay đổi, bé lại bị như vậy. Gia đình không biết lý do vì sao bé lại liên tục tái phát nên đưa đến BV Bạch Mai”, chị Hoài chia sẻ.
img_4054.JPG
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi
"Việc trẻ bị viêm tai, mũi, họng tái diễn có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, lý do chính và thường gặp là do bé chưa điều trị chưa dứt hẳn đợt viêm mũi họng cấp. Điều này khiến bệnh của trẻ hay tái phát, đồng thời làm cho bệnh dễ trở thành mạn tính hoặc gây ra các biến chứng của viêm mũi họng như viêm tai giữa cấp, viêm xoang, viêm phế quản", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết.

Còn theo PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp (BV Nhi TƯ), nguyên nhân khiến trẻ hay tái diễn bệnh là do hệ miễn dịch của trẻ không đảm nhiệm được chức năng bảo vệ cơ thể. Hiện có nhiều thể suy giảm miễn dịch được biết đến, như cơ thể không có khả năng sản xuất ra kháng thể để bảo vệ cơ thể; suy giảm miễn dịch tế bào, suy giảm chức năng bạch cầu đa nhân.
img_4057.JPG
Phụ huynh lo lắng khi con phải điều trị tại bệnh viện
TS Dũng cũng cho rằng, khi trẻ đã và đang điều trị bệnh, phụ huynh nên đưa bé đến khám lại đúng hẹn. Khi đó, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng thực tế của mũi họng, như kiểm tra xem niêm mạc đã hết đỏ, hết phù nề, hết mủ hay chưa để tiếp tục xử trí. Việc dùng thuốc phải đủ liều, trong thời gian nhất định. Vì thế, cha mẹ cần tuân thủ việc sử dụng thuốc cho con mà bác sĩ đã chỉ định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm