pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao Trung Quốc mua tới 23 tấn vàng trong 1 tháng?
Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng
Theo chuyên gia kinh tế Neils Christensen – người đã có hơn 1 thập kỷ kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức tin tức trên khắp Canada, Trung Quốc đang tiếp tục thu hút sự chú ý của thế giới khi Ngân hàng trung ương của nước này tiến hành mua thêm vàng trong tháng 7 vừa qua, đẩy chu trình mua sắm vàng của Trung Quốc kéo dài 9 tháng liên tiếp.
Krishan Gopaul, chuyên gia phân tích cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã mua tới 23 tấn vàng chỉ trong tháng 7 – một trong những tháng mua cao điểm của nước này kể từ đầu năm nay.
Nếu tính từ tháng 1 cho tới hết tháng 7/2023, Trung Quốc đã mua 126 tấn vàng, tăng lượng dự trữ vàng chính thức của nước này lên 2.136 tấn.
Mặc dù Trung Quốc đã trở thành người mua hàng đầu trên thị trường kim loại quý nhưng một số nhà phân tích cho rằng Ngân hàng trung ương Trung Quốc mới chỉ khởi động kế hoạch mua của họ mà thôi.
Thorsten Polleit, chuyên gia kinh tế trưởng tại Degussa [công ty duy nhất trên thế giới hoạt động đồng thời trong 3 lĩnh vực kim loại, hóa chất và dược phẩm] cho biết, Trung Quốc mong muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và "vàng được xem là vật thay thế tự nhiên của đồng đô la".
Willem Middelkoop - người sáng lập Quỹ Commodity Discovery Fund dự đoán Trung Quốc sẽ còn tiếp tục mua vàng trong một thời gian dài.
Xu hướng dịch chuyển sang phương Đông
Theo Intelligent Partnership, vai trò của Trung Quốc trên thị trường vàng ngày càng gia tăng. Nếu như vào năm 2007, Trung Quốc chỉ chiếm 10% nhu cầu vàng toàn cầu thì tới năm 2011, con số này đã tăng lên 21%. Có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng này qua số liệu của Hội đồng vàng thế giới. Nhu cầu vàng của Trung Quốc đã tăng từ 250 tấn năm 2006 lên tới trên 2.000 tấn như vừa đề cập ở trên.
Trong khi đó, theo tờ Atalayar, thị trường vàng thế giới đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước phương Đông. Có nhiều lý do dẫn tới xu hướng này:
Các nước phương Đông luôn có niềm yêu thích đặc biệt đối với vàng: Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành hai quốc gia tiêu biểu cho phong trào mới trên thị trường kim loại quý. Trong hơn 30 năm qua, tỷ lệ nắm giữ vàng của Trung Quốc và Ấn Độ trên thị trường thế giới đã tăng từ 20% lên 50%.
Cuộc cách mạng vàng ở Ấn Độ kéo dài từ đầu cho tới giữa những năm 1990: Năm 1992, nhu cầu vàng của Ấn Độ đã tăng lên tới 340 tấn. Đến năm 2022, con số này tăng hơn gấp đôi, lên 742 tấn. Ấn Độ hiện là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Vàng là tài sản an toàn: Trong thời kỳ lạm phát cao, sở hữu vàng trong tay là đã có cả một kho lưu trữ rất giá trị. Ngoài ra, việc Trung Quốc và Ấn Độ tích trữ vàng còn diễn ra đồng thời theo xu hướng của một số quốc gia hiện nay, đó là đặt một loại tiền tệ mới làm trung tâm của thị trường thanh toán, song song với đồng đô la.
Vàng không chỉ là thứ xa xỉ ở Ấn Độ: Ngay cả người nghèo cũng mua vàng ở quốc gia châu Á này. Theo khảo sát của ICE 360 vào năm 2018, nếu tính theo giai đoạn 5 năm một lần thì cứ hai hộ gia đình ở Ấn Độ sẽ có một hộ mua vàng.
Với sức mua đó, có tới 87% hộ gia đình ở Ấn Độ sở hữu vàng. Ngay cả những hộ gia đình có mức thu nhập thấp nhất ở quốc gia Nam Á này cũng có vàng.
Chính sách mua vàng được nới lỏng: Vàng đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Quốc. Mặc dù trong nửa sau của thế kỷ 20, đã có một giai đoạn người dân Trung Quốc bị hạn chế mua vàng nhưng sau đó, chính phủ nước này đã dần nới lỏng chính sách, cho phép thị trường vàng được tự do hóa hoàn toàn.
Mức tiêu thụ vàng hàng năm của Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần từ 375 tấn đầu những năm 1990 lên mức kỷ lục là 1.347 tấn năm 2013. Cũng từ thời điểm này, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Những phía mua vàng nhiều nhất đều đến từ phương Đông: Không chỉ Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia tăng dự trữ vàng đều đặn trong những năm gần đây còn có Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore.