Hay một phiên chợ Bắc Bộ thập niên 40, với hình ảnh những người nông dân mặc áo nâu sòng, mang đậm hơi thở của một cuộc sống thôn quê. Những căn biệt thự cổ cũng gợi nhớ một cảm giác xưa cũ, trầm mặc nhưng lại mang vẻ hấp dẫn đến từ cuộc sống xa hoa và quyền lực của tầng lớp thượng lưu Việt Nam thời kỳ này.
Hình ảnh ấn tượng của người phụ nữ Việt Nam qua 3 thời kỳ
Cô gái miền biển Duyên (Thanh Tú) của thời Pháp thuộc thì lại mang một vẻ đẹp Việt hồn hậu bên mái nhà mộc mạc nhưng đầy chất thơ, với nón lá áo bà ba toát lên nét nền nã, chân thành. Nhân vật của thời hiện tại là An (Đinh Ngọc Diệp) lại khiến khán giả cảm thấy gần gũi với hình tượng người phụ nữ thương con và giàu đức hy sinh, sẵn sàng làm mọi thứ vì con.
Tái hiện và tôn vinh các giá trị văn hóa
Là nhà làm phim luôn đề cao yếu tố dân tộc và văn hoá, Victor Vũ khéo léo đưa vào những nét đẹp cổ truyền vốn là di sản quý giá của người Việt. Anh lựa chọn ca trù - loại hình diễn xướng âm giai thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ để tạo ra một phân cảnh tráng lệ trong phim. Hình ảnh nàng ca nương xinh đẹp Liên cất tiếng hát mê hoặc lòng người trong không gian đậm truyền thống thực sự trở thành một phân cảnh đắt giá, tiêu tốn không ít tâm huyết của ê kíp trong việc chọn bối cảnh, thiết kế mỹ thuật cho đến phục trang, ánh sáng.
Đại cảnh đám tang với sự tham dự của hơn 70 diễn viên đề cao yếu tố hoành tráng và hùng vĩ, nhưng không bỏ quên những chi tiết nhỏ nhất trong một đám tang truyền thống của người Việt: Từ cờ tang, thầy cúng, giấy tiền vàng mã, huyệt mộ và một bản nhạc đưa tang truyền thống đều được chuẩn bị mỉ mỉ trước khi bấm máy. Hình ảnh đoàn người mặc áo tang trắng với tiếng khóc đau thương được phản chiếu trên mặt hồ lớn, giữa khung cảnh hùng vĩ chắc chắn sẽ là phân cảnh đẹp và ám ảnh trong Người bất tử.