'Việc gì cũng có thể làm, từ xây nhà tới quét nhà, miễn là vợ vui'

12/11/2016 - 19:00
Xa quê lập nghiệp và xây dựng gia đình, nhà báo Đoàn Đại Trí thừa nhận: “Chính cô ấy đã khiến cuộc sống bận rộn của tôi được cân bằng, khiến tôi luôn yên tâm mỗi lần đi xa và rất mong trở về. Vợ và con trai là mái nhà, là sự bình yên của tôi».
Ngày trước, Hoàng Thị Giang chọn học khoa Văn, trường ĐH Sư phạm TPHCM, vì cô rất lãng mạn, yêu văn học và thích đọc nhiều loại sách. Áo Trắng là tờ tạp chí mà Giang rất thích từ lúc học cấp 3 đến đại học. Hễ gặp bài viết nào hay, Giang đều lưu lại. Còn Trí sinh ra và lớn lên ở vùng đồng chiêm trũng Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội. Hồi trước, sau khi bỏ ngang việc học ở trường ĐH Tổng hợp, anh vào Nha Trang theo học trường ĐH Thủy sản. Với chút đam mê viết lách, chàng sinh viên ngày ấy cũng có một vài sáng tác được bạn bè biết đến.

Một lần, Trí từ Nha Trang vào miền Nam thăm bà con. Cũng dịp này, tạp chí Áo Trắng (ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ) mời họp mặt cộng tác viên. Nhà văn Đoàn Thạch Biền rủ anh tới gặp mặt và trò chuyện với các bạn trẻ. Tại đây, Giang gặp Trí. Nghe nhắc đến tên Trí là Giang liền nhớ ngay tới những bài viết của anh mà cô từng đọc. Sau đó, dường như có sự đồng cảm sâu sắc, những bài viết của Trí trên tờ Áo Trắng đều được Giang yêu thích và lưu giữ. Trí ấn tượng với vẻ ngoài giản dị nhưng xinh xắn và chiều cao «khiêm tốn» của Giang.
1_hp.jpg
Từ đó, Trí hay bắt chuyến tàu đêm vào tới Sài Gòn là lúc trời tảng sáng. Sài Gòn khi ấy trong ấn tượng của anh rất rộng lớn. Hai người chở nhau trên xe máy của Giang, đi chơi khắp thành phố mà vẫn thấy nơi này sao khó hiểu! Ban đầu, Trí chưa nghĩ đây sẽ là nơi anh sinh sống, lập nghiệp. 2 năm sau, Giang là một yếu tố lớn tác động khiến anh chọn Sài Gòn để dừng chân. Những ngày đầu ở thành phố xa lạ, Trí vừa học cách làm quen với cuộc sống, vừa viết báo mưu sinh.

Có lần, Giang dành dụm được ít tiền, muốn mua tặng Trí 1 cái USB 3G để sử dụng, vì hồi đó mạng Wifi chưa nhiều như hiện nay. Sau khi mua xong, 2 người đang chạy xe máy trên đường thì bị kẻ gian giật mất túi xách. Thế là mua được cái USB 3G nhưng lại không có laptop để sử dụng. 2 người nhìn nhau như muốn khóc. Nhưng ở bên nhau, nỗi buồn qua nhanh mà niềm tin yêu, hạnh phúc đến nhiều hơn. Mấy ngày sau, Trí được giải 3 một cuộc thi viết. Số tiền đủ mua 1 cái laptop khác. Cuộc sống cứ như thế. Thất vọng và tin tưởng, vui buồn và hạnh phúc đan vào nhau theo ngày tháng.

Bây giờ, Sài Gòn trong ấn tượng của Trí là nơi dễ sống và hồ hởi hơn, mang đến nhiều sự hào phóng, rộng mở. Một trong những điều khiến cảm giác đó của anh sâu đậm hơn là ý nghĩ về một gia đình chờ đón anh trở về mỗi chiều.

Trí và Giang thừa nhận, dù cả 2 hầu như không có điểm chung nhưng vẫn bên nhau vui vẻ. Giang quen với lối sống phóng khoáng và thích nhịp sống vui. Trí thiên về sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Từ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, cho tới công việc. Giang thích kiểu món ăn nêm ngòn ngọt, Trí thích cách nấu đậm vị. Nếu như Trí thích ăn cá đồng vì nhà anh gần sông thì Giang thích ăn cá biển vì nhà cô ở Vũng Tàu giáp biển. Những khác biệt nhỏ ban đầu cũng khiến cả 2 tranh luận gay gắt. “Cuộc cãi vã kết thúc nhanh vì nhà có 2 người, giận nhau thì biết nói chuyện với ai?”, Trí hài hước. Họ cũng phân công rõ ràng: Chồng nhận việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa; vợ chỉ cần vui vẻ chăm con.
2_hp.jpg
Với Giang, việc mến mộ Trí từ thời sinh viên làm cuộc sống của cô lãng mạn hơn. Lâu lâu, Giang xem lại những trang thơ, tản văn, tùy bút của anh ngày xưa để… ôn kỷ niệm. Sống bên nhau lâu, cả 2 dần thay đổi để tự phù hợp. Hồi mới quen, Trí có xu hướng mặc trang phục già dặn, nhưng sự trẻ trung của vợ đã ảnh hưởng tới anh. Giờ, anh được vợ khen đẹp trai hơn vì… mặc đồ trẻ trung và cũng «nhí nhảnh» hơn.
Trí tin rằng, hạnh phúc cũng như cây non cần được chăm bẵm mỗi ngày bằng những kỷ niệm nhỏ ngập tràn sẻ chia. Một điều lạ ở Trí, anh viết dễ hơn miêu tả tình cảm bằng lời. Rất nhiều lời cảm ơn dành cho sự tận tụy của vợ, nhưng không thể nào bộc bạch trực tiếp, anh thường “mượn cớ” để viết ra và cũng vì vợ là một người lãng mạn, cô ấy sẽ hiểu cho tình cảm của anh. Với Trí, không có nghề nào đem lại cảm giác tuyệt vọng đều đặn và cả niềm vui vỡ òa như nghề báo, và cũng ít có điều gì giúp cân bằng như cảm giác được trở về sau ngày mệt mỏi, ngắm vợ chăm sóc con.

Giang được chồng khen có tài chăm con chu đáo. Cô nuôi con bằng sữa mẹ đến khi con 3 tuổi và cậu bé khỏe, chỉ duy nhất 1 lần phải đi bệnh viện. Hồi mới sinh con nhỏ, hễ chồng đi xa là Giang phải nhờ bạn gái đến ngủ vì… sợ ma. Giang gọi điện cho chồng và nói: “Em sợ quá!”, cô bật điện khắp nhà cả đêm để bớt sợ. Sự hồn nhiên của Giang khiến Trí thích thú.

Với cả 2 người, thơ văn là chất liệu để cuộc sống lứa đôi bớt đi những lo toan. Những câu thơ từ thời đang yêu vẫn được giữ lại để cùng suy ngẫm: “Đã lâu rồi anh chỉ biết yêu em/Không làm thơ và ngóng những ngã ba đường xa tít tắp/Không rong ruổi trên những nẻo đường bất tận/Không nao lòng những cặp mắt ướt xa xôi…”.

Anh Trí khoe, Giang biết “ghen” và điều này là “gia vị” dù cô hiểu anh không nghĩ đến ai khác ngoài vợ. Giang rất thích cuối tuần đi cà phê cùng chồng, con nên dù bận đến mấy, Trí cũng đều chiều sở thích đó của vợ. Họ chiêm nghiệm: Hạnh phúc là sự hài lòng, vui nhất là cảm giác “biết đủ” giữa Sài Gòn bận rộn, nhiều lo toan.

Mỗi ngày luôn có niềm vui

- Vợ: Hoàng Thị Giang, giảng viên trường Trung cấp Đại Việt (Thủ Đức). Chồng: Đoàn Đại Trí, phóng viên Báo Đại đoàn kết. Địa chỉ: Hóc Môn, TPHCM.

Chị Giang chia sẻ: "Rất nhiều khi, việc lớn nên để chồng quyết định, vợ cứ… bình thản tôn trọng và tin tưởng anh ấy. Đàn ông khi được tin tưởng có thể 'dời non lấp bể'".

Anh Trí cho hay: "Việc gì cũng có thể làm, từ xây nhà tới quét nhà, vào bếp nấu nướng. Miễn vợ vui là mình cũng vui".
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm