Việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước ở cấp Bộ chỉ đạt 60% theo quy định

Hải Yến
22/11/2023 - 11:28
Việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước ở cấp Bộ chỉ đạt 60% theo quy định

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp xã, chuyển biến tích cực ở cấp tỉnh, song cấp Bộ thì chỉ đạt 60% theo quy định.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

Báo cáo về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết, trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tăng 2.040 lượt người, tăng 1.615 vụ việc và tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Riêng tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội ở Hà Nội, số lượt công dân tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn so với năm 2022.

Nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu có liên quan đến các lĩnh vực: Về quản lý đất đai, xây dựng; về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tranh chấp đất đai; về đòi lại đất cũ; về quản lý và vận hành nhà chung cư; về việc đầu tư, xây dựng và hoạt động của khu xử lý rác thải, chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết về kết quả tiếp công dân. Đối với các cơ quan hành chính, trong năm 2023, có 391.512 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 294.909 vụ việc, có 2.943 đoàn đông người. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 285 lượt người về 253 vụ việc. Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán Nhà nước không có công dân đến khiếu nại, tố cáo.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp 91%); đối với cấp tỉnh có chuyển biến tích cực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã trực tiếp tiếp 79%, cao hơn 2% so với năm 2022 (77%) và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021 (56%); tuy nhiên, đối với cấp Bộ thì chỉ đạt 60% theo quy định.

"Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới", ông Hoàng Thanh Tùng cho hay.

Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo

Theo đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An - tiến độ thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như vậy là chậm, chưa xác định được lộ trình cụ thể để đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào vận hành đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này ngoài việc chưa được đầu tư thoả đáng thì nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan khác là gì để sớm có giải pháp khắc phục và cam kết tiến độ hoàn thành để tránh lãng phí thời gian, công sức của người dân và cán bộ, công chức.

"Đề nghị làm rõ việc Bộ trưởng chưa thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân"- Ảnh 1.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Về một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm nghiên cứu, bổ sung quy định về phân loại xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử; tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc về nội dung này trong thời gian tới. 

Ngoài ra, đại biểu An Chung kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH để thuận tiện trong việc quản lý, lưu trữ, tra cứu, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời đơn thư, từ đó có thể lựa chọn các vụ việc để tập trung giám sát, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm