Việt Nam chú trọng cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân

31/01/2018 - 22:57
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp bà Gerda Verburg, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Điều phối viên về Phong trào mở rộng quy mô dinh dưỡng, tại Trụ sở Chính phủ chiều ngày 31/1.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu liên quan dinh dưỡng và sức khỏe. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn hết sức coi trọng, đặc biệt quan tâm vấn đề dinh dưỡng nhằm đẩy mạnh việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ, góp phần cải tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Gerda Verburg, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Điều phối viên về Phong trào mở rộng quy mô dinh dưỡng

Bà Gerda Verburg chúc mừng Việt Nam có Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan vấn đề dinh dưỡng, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam dành cho vấn đề dinh dưỡng và đây là tiền đề để Việt Nam phát triển thành công lĩnh vực này. Bà Gerda Verburg đề nghị Việt Nam cần có bộ máy cấp cao giúp Bộ Y tế hoàn thành nhiệm vụ về dinh dưỡng; cần có cơ chế kêu gọi sự tham gia, huy động nguồn lực của toàn xã hội trong lĩnh vực này giúp Chính phủ thực hiện được mục tiêu dinh dưỡng ở vùng sâu, vùng xa- nơi có nhiều thách thức về thực hiện dinh dưỡng.

Theo bà Gerda Verburg, Chính phủ cũng cần có đối thoại nhiều hơn nữa với khối kinh tế tư nhân để đồng hành, ủng hộ, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu về dinh dưỡng. Quá trình này cũng đòi hỏi tăng cường hợp tác quốc tế. Bà cũng khuyến nghị, các sản phẩm sữa và dinh dưỡng là rất tốt cho trẻ em nhưng sữa mẹ vẫn là tốt nhất cho một đứa trẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Gerda Verburg và lãnh đạo Liên hợp quốc, Bộ Y tế

Nhất trí với ý kiến của bà Gerda Verburg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc trong vấn đề dinh dưỡng. Nhiều chương trình như sữa học đường, phổ cập cơ cấu bữa ăn cho người dân, chống béo phì... được triển khai tốt. Các cấp, các ngành vào cuộc đồng bộ, đặc biệt là quan tâm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chính phủ cũng có những cơ chế, chính sách, chương trình nhằm cải thiện dinh dưỡng, thể chất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Chính phủ Việt Nam cũng coi trọng sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có việc tăng cường dinh dưỡng. Việt Nam sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của Liên hợp quốc; mong Liên hợp quốc hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm trong vấn đề này và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về dinh dưỡng trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm