pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việt Nam hơn 25 năm tham gia Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (LHQ) phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia trên thế giới. Chiến dịch là dịp quy tụ các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, trường học, cá nhân và các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế chất thải, phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng...
Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương trên toàn cầu gây thiệt hại 2,5 tỷ USD mỗi năm. Theo thống kê, năm 2019, việc sản xuất và xử lý nhựa toàn cầu đã tạo ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tương đương với 189 nhà máy nhiệt điện than. Nếu lượng rác thải nhựa ra môi trường không được cải thiện chẳng mấy chốc con người sẽ phải gánh chịu những hiểm họa khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra như: Băng tan ở hai địa cực, hạn hán, lũ lụt, sự sống của nhiều động thực vật bị đe dọa…
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, các nhà môi trường học đã lo ngại về việc gia tăng đáng kể rác thải từ những sản phẩm làm bằng nhựa để phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh như khẩu trang, găng tay, thiết bị y tế hay thậm chí là... áo mưa và túi nilon.
Khủng hoảng Covid-19 đã làm bùng lên cuộc chạy đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) giữa các quốc gia khi chính phủ các nước nhanh chóng tăng cường dự trữ khẩu trang, găng tay, tấm chắn giọt bắn và trang phục bảo hộ. Trước sự lây lan nhanh đến "chóng mặt" của virus SARS-CoV-2, nhiều nước khuyến khích hoặc yêu cầu công dân đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng. Mặc dù những động thái này an toàn khi nhìn từ góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, song một thực tế không thể phủ nhận là các loại rác thải này ảnh hưởng trực tiếp đối với môi trường xung quanh.
"Ô nhiễm rác thải nhựa" đã được LHQ chọn làm chủ đề cho chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019". Hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ, chính phủ các nước đưa ra nhiều quy định để hạn chế sử dụng túi nylon. Từ ngày 1/4/2019, các chuỗi cửa hàng bán lẻ và siêu thị ở Hàn Quốc không được phép cung cấp túi nylon cho khách hàng. Ước tính biện pháp trên sẽ làm giảm 2,2 tỷ túi nylon hàng năm ở Hàn Quốc.
Từ ngày 2/10/2019, Ấn Độ sẽ chính thức cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn quốc. Tại Nam Mỹ, Panama, Chile đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn túi nylon trong hoạt động thương mại. Chile phạt 370 USD cho mỗi túi nylon được phát ra.
Riêng Việt Nam đã tham gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn từ năm 1994. Đến nay, sự kiện này đã được các Bộ, ngành, địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, qua đó nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động để giảm thiểu rác thải. Các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Hưởng ứng chiến dịch, các địa phương khắp cả nước đã tập trung chống rác thải nhựa, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các địa phương tùy theo từng điều kiện cụ thể tổ chức lễ phát động, lễ ra quân và các hoạt động thiết thực trực tiếp hoặc góp phần giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương. Mặt khác tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, phát động và duy trì các phong trào ngày Thứ bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh. Tổ chức ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, thi làm sản phẩm tái chế... Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý chất thải.
Phụ nữ chiếm trên 50% dân số, là lực lượng quan trọng trong tất cả các khâu của quản lý rác thải nhựa, từ sản xuất, sử dụng, thu gom đến phân loại, tái chế cũng như trong tổ chức phân loại rác tại nguồn. Với mạng lưới tổ chức đến tận các thôn bản, hơn 104.000 chi hội trưởng, 245.000 tổ trưởng và hơn 19.000.000 triệu hội viên, hội viên, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.