Phụ nữ Việt Nam thiết thực hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”

An Khê
03/09/2020 - 15:47
Phụ nữ Việt Nam thiết thực hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”

Lãnh đạo Hội LHPN Thái Bình và hội viên, phụ nữ trong tỉnh thu dọn rác thải bảo vệ môi trường

Với mục đích triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường một cách thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân, Hội LHPN Việt Nam đã có những kế hoạch hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả từ hoạt động

Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động tái sử dụng, tái chế, phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường thông qua các việc làm tử tế vì môi trường; Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy. 

Phụ nữ Việt Nam thiết thực hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” - Ảnh 1.

Hội phụ nữ các cấp đã lan tỏa nhiều mô hình, cách làm hay bảo vệ môi trường - Ảnh: Kiều Trang

Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2020 phù hợp, an toàn, thiết thực trong bối cảnh vừa chống dịch, bảo vệ môi trường và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; khai thác thế mạnh các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, huy động các cấp Hội và đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ vào cuộc.

Bởi vậy, các chương trình được Trung ương Hội đưa ra có sự đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, đối với cơ quan chuyên trách Hội LHPN các cấp, các cán bộ Hội thực hiện tiên phong giảm thiểu chất thải nhựa; Hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (gồm túi nilon khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc, bộ đồ ăn…); Không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai cốc, ống hút, bát đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hoạt động của Hội; Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

Đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, cán bộ chuyên trách giữ vai trò dẫn đầu, gương mẫu thực hiện phân loại rác tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải, chất thải nhựa và các chất thải khác; Khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu về môi trường trong các cơ quan chuyên trách Hội LHPN các cấp, các điểm sinh hoạt cộng đồng và khu dân cư. Tổ chức truyền thông, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; Đưa nội dung thực hành về giảm thiểu chất thải nhựa vào đánh giá cán bộ hàng năm.

Triển khai cụ thể đến từng hội viên

Đối với việc triển khai sâu rộng tới từng hội viên, Trung ương Hội yêu cầu các cấp Hội xây dựng kế hoạch gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Cụ thể, tăng cường vận động, hướng dẫn, tuyên truyền tới hội viên phụ nữ và cộng đồng tham gia thu gom, phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và phân loại rác thải; Vận động hội viên, phụ nữ tiểu thương, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa dụng một lần, tăng cường tái sử dụng túi nilon sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường (như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni-lông tự phân hủy…) trong các hoạt động thường ngày.

Ngoài ra, các cấp hội cần duy trì, xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa, các mô hình gây quỹ từ thu gom chất thải nhựa. Tích cực giới thiệu, kết nối các mô hình sản xuất các sản phẩm, bao, gói, túi… thân thiện với môi trường và các doanh nghiệp kinh doanh, trong hệ thống các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp nữ… để tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất tới tiêu dùng.

Để phát huy cao hiệu quả tuyên truyền, mỗi cán bộ Hội tại địa phương là một tuyên truyền viên bảo vệ môi trường, từ đó lan tỏa ý thức, hành vi bảo vệ môi trường bằng cách đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền, đặc biệt là qua các phương tiện công nghệ thông tin.

Tại các cấp hội thường xuyên và kịp thời biểu dương, tuyên truyền các gương người tốt việc tốt, các điển hình phụ nữ; Giới thiệu gương điển hình cho các ngành chức năng để xét khen thưởng hoặc trao giải thưởng môi trường…

Đối với các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020", Trung ương Hội sẽ tổ chức sự kiện truyền thông trực tuyến "Tử tế vì môi trường" hưởng ứng chủ đề Chiến dịch năm 2020 - "Hành động nhỏ, thay đổi lớn", dự kiến vào ngày 20/9 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (20 Thụy Khuê, Hà Nội).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm