pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, người viết nhiều giao hưởng nhất Việt Nam
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh năm 1932, quê ở Tiền Giang. Ông tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), Nhạc viện Leningrad (St. Peterburg, Nga) và là Giáo sư lý luận - sáng tác tại Nhạc viện TPHCM.
Ông là người viết nhiều giao hưởng nhất Việt Nam. Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: 9 giao hưởng được biểu diễn thành công tại Việt Nam và Nga, Huyền thoại Kazka (Giao hưởng thơ - 1984), Tiếng sáo 1 (Tổ khúc giao hưởng 1986), Tiếng sáo 2 (Symphony - Cantate 2004), Hòa bình cho các dân tộc (Thanh xướng kịch - 1995), Việt Nam của tôi (Âm nhạc vũ kịch, 1979)... cùng nhiều tác phẩm thính phòng dành cho nhạc cụ độc tấu và hòa tấu.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Năm 1995, ông được trao Huy chương Vàng Hội diễn ca nhạc toàn quốc với tác phẩm vũ kịch Huyền thoại mẹ. Sau đó, ông nhận được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho tác phẩm giao hưởng số 8 Đất nước quê hương tôi. Năm 2003, ông là nhà soạn nhạc đầu tiên của Việt Nam được Hoa Kỳ "đặt hàng" dàn dựng tác phẩm mới tại New York, Mỹ. Ngoài ra, ông có nhiều tác phẩm được công diễn ở nhiều nơi trên thế giới.
Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã để lại nhiều tiếc thương cho công chúng và những người làm nghề. Trên mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự xúc động, tiếc nuối với người nhạc sĩ gạo cội.
Nhạc sĩ Giáng Son bày tỏ: "Vô cùng kính trọng một người thầy tài năng, hiền lành, đức độ! Thấy có lỗi vì cũng lâu chưa qua thăm thầy. Không biết bản giao hưởng số 10 của thầy xong chưa? Mong thầy an nghỉ!".
Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ những kỷ niệm của mình với người thầy:
May mắn được là học trò của thầy từ những ngày thầy mới về nước. Người thầy dành hết tâm huyết dạy bảo và yêu thương học trò, nhất là đạo đức và sự lễ độ, rồi tiếp đến mới là kỹ thuật, là âm nhạc.
Còn nhớ lúc đó thầy hay đùa "con bé kia không biết thầy có làm gì nó buồn không mà đi ngang gặp thầy nó không chào!". Đó là cách thầy luôn nhắc học trò mình đừng quên lễ độ, kính trọng những người lớn.
Còn nhớ lúc đó chưa vào Nhạc viện, thầy còn ở tầng rất cao trên căn hộ Nguyễn Thái Bình, đi chiếc xe đạp lộc cộc. Mỗi lần lên nhà thầy học chính mình thời mười mấy tuổi mà còn thở không nổi. Thầy vẫn cười "đi lên xuống cho khoẻ, nhưng hễ bữa nào quên đồ chạy lên chạy xuống, hơi mệt tí". Rồi thầy không quan tâm mấy, chỉ quan tâm tới cây piano cũ được ai đó mới tặng, ít ra có cái gì đó để viết.
Còn nhớ lúc vào trường, mình chọn Âm nhạc học nên không học sáng tác với thầy nữa. Nhưng lại tình cờ được học với thầy mấy học kỳ môn Phối Khí. Thầy quan tâm nhiều đến pha màu giữa các bộ, quan tâm nhiều đến tính năng, mỗi khi mình viết xuống mấy nốt thấp nhất của trombone thầy khoái "thằng này nó hiểu cây kèn". Hoặc mỗi khi mình tách viola cho đi với oboe, thầy nói "phải chi dàn nhạc mình có Cor Anglais con cho đi chung hay hơn, nhưng mà kể ra viola lên cao vậy âm sắc cũng hay". Thầy chính là người dạy mình nhìn dàn nhạc bằng màu, và pha màu. Thầy hay điểm bộ gõ lên trên các bộ khác, dùng tubular, celesta, glockenspiel, xylophone... rất hiệu quả.
Còn nhớ môn phối khí là môn duy nhất mình được điểm 10, mà trong lớp ai cũng hỏi "thằng Trí nó làm biếng, nghỉ học hoài mà thầy?". Thầy cứ cười, "nhưng mà bài nó viết hiệu quả, nó nghe lời thầy, cúp học nhưng giao du với mấy người chơi nhạc cụ đặng học coi họ chơi ra sao!".
Vùng đất Mỹ Tho có nhiều cái đặc biệt, có nhiều cái sớm nhất. Nghe nói đó là nơi được người Việt tới định cư đầu tiên. Rồi nó sinh ra nhiều con người đặc biệt, trong âm nhạc phải kể đến hai vị giáo sư, đó là giáo sư Trần Văn Khê và giáo sư Nguyễn Văn Nam. Một người Đông một người Tây, người nào cũng giỏi, để lại không chỉ là tấm gương trau dồi tri thức mà còn truyền lại rất nhiều thế hệ học trò nối tiếp.
Lễ viếng nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam diễn ra tại Nhà tang lễ TP HCM vào 13h ngày 17/5. Lễ động quan lúc 9h ngày 19/5, sau đó an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.