Thế là anh đã về trời, về với ông bà tổ tiên và bạn bè. Nghe tin anh mất lúc 5 giờ sáng nay, tôi không thể nào tin được. Nhớ năm ngoái anh còn đi thăm đất nước Brunei với chúng tôi, còn chụp rất nhiều hình kỷ niệm, còn khen rượu ngon và phong cảnh đẹp. Thật không thể nào tin được.
Tôi là đàn em của anh, là một thầy thuốc, một nhà giáo nhưng ngay từ khi còn bé, ai gặp tôi đều nói tôi giống anh - như hai anh em ruột. Khi đó tôi mới chỉ là một thằng bé răng sún, miệng rộng ngoác lúc nào cũng cười, trong khi anh đã là một nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng với vai diễn Trung úy Phương trong bộ phim “Nổi gió”. Về sau này, anh thường nói với tôi: “Bây giờ mình là… trung úy phường rối”.
Nhớ những năm 1970, khi tôi đang học cấp 2 tại nơi sơ tán là huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái), nghe anh đóng phim ở nhà máy Thủy điện Thác Bà, tôi đã trốn học để đến xem thần tượng của mình. Rất ấn tượng và không bao giờ quên được, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ nụ cười rất tươi của anh - nụ cười của con người tự tin và rất yêu nghệ thuật.
Tôi quen anh khoảng 10 năm trở lại đây, trong một lần gặp nhau tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - nơi tôi làm việc trong 18 năm ròng và khi đó tôi đang làm ở Đại học Y Dược. Tuy cách nhau hơn 20 tuổi nhưng tôi và anh rất quý nhau. Chúng tôi cùng đồng hành với mục phỏng vấn về sức khỏe người nổi tiếng của trang “Sống khỏe”. Ở đó, tôi là người trực tiếp phỏng vấn anh cũng như nhiều người khác trong 3 năm đều đặn của seri phỏng vấn độc quyền mà không báo nào có được.
Rồi những đợt đi khám từ thiện tại những vùng sâu và vùng xa, anh đỡ từng bệnh nhân, trao cho họ từng túi thuốc phần quà, nói những lời động viện tốt đẹp để họ vượt qua bệnh tật, khó khăn.
Nhớ những đêm mưa rừng gió hú ở các bản làng xa vắng trong những buổi khám từ thiện, mặc dù đang mắc những bệnh mạn tính, song anh vẫn lạc quan, sử dụng thuốc đều đặn theo đúng lời dặn của bác sĩ.
Rồi những buổi sinh hoạt chung với Bệnh viện Quốc tế Minh Anh mà anh là Đại sứ thân thiện, cùng đốt lửa trại cùng vui múa ca quên đi bệnh tật, quên đi ưu phiền, hàng ngày tận hưởng cuộc sống với sự lạc quan của người nghệ sĩ - như cánh chim trời bay không biết mỏi.
Sáng nay cánh chim trời ấy đã đổi hướng bay về nơi xa trong lòng tiếc thương vô hạn của chúng tôi và biết bao người hâm mộ. Vẫn biết “thác là thể phách, hồn là tinh anh” nhưng chúng tôi buồn vô hạn. Mong anh sẽ tới một nơi đầy hoa và tình yêu thương!
Vào 5h30 sáng 29/9, NSND Thế Anh đã qua đời do một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 81 tuổi. Theo bà Thu Hằng - vợ diễn viên Thế Anh - ông nhập viện tại TPHCM đã 4 tháng nay để điều trị tai biến. NSND Thế Anh tên đầy đủ là Nguyễn Thế Anh, sinh ngày 3/4/1938 ở Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con thứ 3 trong một gia đình khá giả. Tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương. Ông học cùng khóa với các nghệ sĩ: Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Trên sân khấu, ông được nhớ đến vai nhân vật sĩ quan Mỹ trong vở Đêm đen của tác giả Ngô Y Linh. Trong điện ảnh, ông ghi dấu ấn sâu đậm với vai Trung úy Phương của bộ phim nhựa “Nổi gió”, vai chàng sinh viên Ba Duy trong phim “Mối tình đầu”. “Mối tình đầu” giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế và mang về cho Thế Anh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V - năm 1980. Nhờ nét phong lưu và chiều sâu trong diễn xuất, ông hóa thân thành nhiều loại nhân vật cả phản diện lẫn chính diện, từ sĩ quan đến bộ đội, các bác sĩ, kĩ sư, thầy giáo, thủy thủ... Tổng cộng ông đã đóng hơn 60 bộ phim nhựa và phim truyền hình, đưa ông trở thành một trong những diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Việt Nam. Năm 1984, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Vợ ông - bà Thu Hằng - cũng là một diễn viên. Ông đã đặt tên cho hai người con trai là Thế Phương và Thế Duy để kỷ niệm hai vai diễn thành công nhất của mình. |