Vĩnh Phúc: Người dân mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ thí điểm làng văn hóa kiểu mẫu

Nguyễn Tuấn Khang
19/11/2024 - 21:27
Vĩnh Phúc: Người dân mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ thí điểm làng văn hóa kiểu mẫu

Dù đã dừng chăn nuôi, chuyển đổi mục đích diện tích chuồng trại nhưng gia đình ông Hiển vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ

Dù đã tự nguyện dừng chăn nuôi, phá bỏ chuồng trại nhưng hơn 1 năm trôi qua, nhiều hộ dân tại thôn Hoàng Chung (xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ Đề án xây dựng làng văn hoá kiểu mẫu.

Đề án xây dựng làng văn hoá kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai từ năm 2023. Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, diện mạo các tuyến đường, cảnh quan các thôn, tổ dân phố được lựa chọn đã có nhiều đổi thay tích cực. 28/28 khu thiết chế văn hóa - thể thao được khánh thành, các hoạt động biểu diễn văn nghệ, luyện tập thể thao diễn ra sôi nổi. 

Các công trình đã và đang phát huy công năng sử dụng, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, vui chơi, giải trí của nhân dân tại các địa phương có khu thiết chế và khu vực lân cận.

Ý thức trách nhiệm của người dân tại các làng văn hóa kiểu mẫu trong bảo vệ, giữ gìn để vận hành, quản lý, sử dụng lâu dài khu thiết chế được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Đề án này tồn tại một số bất cập, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

Một trong số đó là chính sách hỗ trợ dừng chăn nuôi và hỗ trợ các gia đình di chuyển mồ mả để đủ tiêu chí "làng văn hóa kiểu mẫu".

Vĩnh Phúc: Người dân mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ thí điểm làng văn hóa kiểu mẫu - Ảnh 1.

Gia đình bà San cũng đạt các tiêu chí được đưa ra nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ

"Chúng tôi không biết có được nhận tiền hỗ trợ hay không?"

Gia đình bà Trương Thị San (70 tuổi, trú tại thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những gia đình thuộc diện khó khăn trong thôn. Trước đây, kinh tế của gia đình bà chủ yếu dựa vào nguồn thu từ 2 sào ruộng và chăn nuôi 2 con trâu. 

Ông bà có 3 người con gái nhưng tất cả đều đã lập gia đình, ra ở riêng nên theo bà San, thu nhập đến từ 2 sào ruộng cùng việc chăn nuôi trâu cũng đủ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của vợ chồng bà. 

Tuy nhiên, thời điểm tháng 7/2023, để thôn Hoàng Chung có thể đạt được tiêu chí "làng văn hóa kiểu mẫu" theo Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 16/3/2023 của tỉnh Vĩnh Phúc, gia đình bà đã làm đơn tình nguyện không nuôi vật nuôi trong khu dân cư. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn thu của gia đình bà đến từ việc chăn nuôi trâu bị mất đi.

"Trước kia, việc chăn nuôi trâu cũng giúp gia đình tôi mỗi năm thu được hơn 10 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, một trong những tiêu chí để đạt được "làng văn hóa kiểu mẫu" là đường làng ngõ xóm phải sạch, đẹp nên gia đình tôi đã quyết định bán 2 con trâu đi, đồng thời xóa bỏ chuồng trại để đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ", bà San chia sẻ.

Theo bà San, năm 2023, khi làm đơn đồng ý dừng chăn nuôi, phá bỏ chuồng trại, gia đình bà đã được cán bộ xã, đại diện thôn đến làm thủ tục kê khai, đo đạc chuồng trại. Theo đó, số tiền hỗ trợ được tính dựa trên diện tích chuồng trại. 

Với 12m2 diện tích chuồng trại, chiếu theo mức hỗ trợ 500.000 đồng/m2, gia đình bà sẽ nhận được 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, yêu cầu tiếp theo là chuồng trại chăn nuôi phải được phá bỏ hoặc chuyển đổi sang mục đích khác cũng đã được gia đình bà San thực hiện. 

"Chồng tôi bị mù từ nhỏ, không làm được việc gì nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tôi cũng chỉ mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để chúng tôi có tiền trang trải cuộc sống", bà San bộc bạch.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, gia đình ông Phạm Văn Hiển (ở thôn Hoàng Chung) rất muốn nhận được câu trả lời từ chính quyền địa phương rằng khi nào gia đình ông sẽ nhận được số tiền hỗ trợ dừng chăn nuôi trong khu dân cư? 

Ông Hiển cho biết, thời điểm thôn ra thông báo, gia đình ông là hộ đầu tiên làm đơn tự nguyện dừng chăn nuôi. Khu vực chuồng trại rộng 15m2 trước kia dùng để nuôi nhốt trâu, gà đã được gia đình ông cải tạo thành khu vực vệ sinh. 

Mọi tiêu chí đều đã được hoàn thành nhưng không hiểu vì lý do gì, đến giờ, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác tại thôn Hoàng Chung vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. "Chúng tôi có hỏi thôn thì họ bảo không có tiền, hỏi xã thì xã cũng trả lời tương tự nên người dân không biết có được nhận số tiền đó hay không?", ông Hiển băn khoăn.

Cũng là một trong những hộ gia đình có thu nhập nhờ vào công việc chăn nuôi trâu bò nhưng đến thời điểm hiện tại, ông Phạm Đình Hòa (59 tuổi, trú tại thôn Hoàng Chung) cho biết, bản thân ông vẫn chưa biết xử lý thế nào với diện tích chuồng trại, vật nuôi của gia đình. 

"Khi đo đạc, diện tích chuồng trại của gia đình tôi là hơn 120m2. Tuy nhiên, cán bộ xã cho biết, diện tích trên bao gồm cả khu vực chăn nuôi gà (gà không nằm trong danh mục được hưởng hỗ trợ - PV) nên cán bộ xã chỉ kê khai cho gia đình tôi diện tích 100m2. 

Tôi chấp nhận và tiến hành bán dần đàn trâu, bò của gia đình đi nhưng khi thấy nhiều hộ dân không nhận được tiền hỗ trợ, gia đình tôi lại phân vân, không biết có nên bán hay không. Trong khi nhiều gia đình đã chấp thuận ngưng chăn nuôi, phá bỏ chuồng trại mà gia đình tôi không thực hiện thì cũng không được", ông Hòa chia sẻ.

Không chỉ chính sách hỗ trợ người dân dừng chăn nuôi mà chính sách hỗ trợ cho các gia đình di chuyển mồ mả rải rác tại các xứ đồng về nghĩa trang tập trung cũng được người dân thôn Hoàng Chung phản ánh có nhiều bất cập. 

Thậm chí, có những hộ gia đình phải rơi vào cảnh nợ nần như gia đình bà Triệu Thị Tảo (ở thôn Hoàng Chung). Bà Tảo cho biết, một trong những tiêu chí để Hoàng Chung trở thành "làng văn hóa kiểu mẫu" là mồ mả nằm rải rác tại các xứ đồng phải được quy tập về nghĩa trang tập trung. 

Sau khi nhận được thông báo sẽ được hỗ trợ 170 triệu đồng, gia đình bà Tảo và họ hàng đã vay mượn khắp nơi để quy tập và xây mới 29 ngôi mộ của dòng họ. Tuy nhiên, khi mộ đã quy tập xong, tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy, gia đình bà Tảo rơi vào tình cảnh nợ nần. 

Tuổi cao, sức khỏe yếu, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên khoản tiền lãi hàng tháng phải trả khiến gia đình bà Tảo đã khó càng thêm khó. 

"Đến giờ, tôi cũng không biết gia đình có nhận được nguồn hỗ trợ này không? Còn nếu trong trường hợp không nhận được hỗ trợ, gia đình tôi sẽ phải bán đất để trả nợ", bà Tảo chua chát nói.

Chính quyền xã nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, đại diện UBND xã Đồng Ích cho biết, thực hiện thí điểm "làng văn hóa kiểu mẫu", thôn Hoàng Chung đã có 27 hộ dân tự nguyên viết đơn xin ngừng hoạt động chăn nuôi. 

Yêu cầu để được hỗ trợ là người dân ngoài dừng chăn nuôi phải tiến hành phá bỏ chuồng trại hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chỉ có một số hộ dân đáp ứng được các yêu cầu đề ra. 

Nhiều hộ dân khi đã dừng chăn nuôi nhưng không tháo dỡ chuồng trại nên theo quy định sẽ không được hỗ trợ. UBND xã có trách nhiệm báo cáo huyện để huyện lập đoàn kiểm tra, nghiệm thu trước khi trình UBND tỉnh để đề xuất kinh phí hỗ trợ.

Ông Triệu Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Ích, cho biết, đây là mô hình thí điểm, còn nhiều bất cập. Vị này cho biết chính quyền xã sẽ tiếp thu và kiến nghị với cấp trên để nghiên cứu, xem xét lại cơ chế này. 

Về vấn đề di chuyển mồ mả, lãnh đạo xã Đồng Ích cho biết, hiện có 200 ngôi mộ được chuyển về nghĩa trang tập trung và đang chờ kinh phí hỗ trợ từ cấp trên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm