pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hậu Giang: Ưu tiên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo
Phụ nữ tham gia sản xuất phát triển kinh tế
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030", giai đoạn I từ năm 2021-2025.
Tại Hậu Giang, dự án được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em. Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, ưu tiên phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số trong hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.
Dự án được triển khai trên địa bàn 2 xã thuộc huyện Long Mỹ gồm: xã Lương Nghĩa (4 ấp) và Xà Phiên (2 ấp). Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 2,1 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năm nay, dự án sẽ thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ ở 2 xã trên, kinh phí thực hiện 234 triệu đồng.
Các cấp Hội LHPN tỉnh Hậu Giang sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai các hoạt động hiệu quả thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho đối tượng dự án và người dân; phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai dự án, thành lập các mô hình theo mục tiêu, chỉ tiêu dự án, chú trọng huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ xây dựng các mô hình.
Đồng thời chủ động lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án của địa phương, đơn vị và phối hợp với các ban, ngành phát huy nguồn nội lực và kết nối nguồn lực bên ngoài để triển khai dự án.
Nâng cao đời sống của phụ nữ dân tộc
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Hậu Giang chiếm khoảng 3,9% so với dân số toàn tỉnh (hơn 7.500 hộ với trên 30.500 người), chủ yếu là dân tộc Khmer sống tập trung phần lớn ở huyện Long Mỹ và TP.Vị Thanh. Toàn tỉnh có gần 1.500 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
Tỉnh Hậu Giang phấn đấu từ nay đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 2 - 3%. Cùng với đó, 99,72% hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, tỉnh đặt mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác y tế để người dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 98% người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế.
Theo Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, các mô hình sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập đã góp phần giúp đời sống của hội viên, phụ nữ; nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.
Trong đó, có thể kể đến mô hình "Chị khá giúp chị nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer" của Hội LHPN xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, Hậu Giang). Theo đó, khi tham gia mô hình, các chị có hoàn cảnh khó khăn sẽ được các chị khá, giỏi hướng dẫn, giúp đỡ về nhiều mặt như cùng góp vốn xoay vòng cho chị em vay làm ăn; hướng dẫn tay nghề, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; hỗ trợ đào tạo nghề đan đát thủ công mỹ nghệ để tăng thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Mô hình này đã góp phần giúp chị em hội viên dân tộc Khmer trên địa bàn phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy giảm nghèo bền vững.