Vĩnh Phúc: Nhiều chính sách khơi dậy tiềm năng của phụ nữ trong thời 4.0

Nhóm PV
08/07/2023 - 17:07
Vĩnh Phúc: Nhiều chính sách khơi dậy tiềm năng của phụ nữ trong thời 4.0

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Hồng Nhung (giữa) trao huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc cho các lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trong việc xây dựng các chính sách để khơi dậy tiềm năng, nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của cán bộ Hội phụ nữ các cấp trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

+ Thưa ông Nguyễn Thanh Tùng, ông đánh giá về phong trào hoạt động và sự đóng góp của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của Tỉnh ủy cùng với sự cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, điển hình như:

Nhiều chính sách khơi dậy tiềm năng của phụ nữ trong thời 4.0  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Vĩnh Phúc

(1). Tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh; Chủ động khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng nguồn vốn do các cấp Hội đang quản lý trên 1.800 tỷ đồng cho trên 60.000 lượt hội viên, phụ nữ vay vốn.

(2). Nhiều phong trào và cuộc vận động của phụ nữ đã được sự đồng tình, ủng hộ của hội viên, phụ nữ và nhân dân, được các cấp ủy, chính quyền đánh giá cao như: Các cấp Hội đã đẩy mạnh việc thực hiện 2 cuộc vận động "Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" ở địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu  và các phong trào thi đua yêu nước như: "Phong trào phụ nữ Vĩnh Phúc cử chỉ đẹp, sống nhân văn", phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Đồng thời, các cấp Hội còn tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường như: tổ chức Lễ ra quân thu gom rác thải, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo cho cán bộ, hội viên phụ nữ về môi trường. Duy trì thường xuyên chị em phụ nữ tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh vào thứ 7 hàng tuần và ngày Chủ nhật xanh.

Nhiều chính sách khơi dậy tiềm năng của phụ nữ trong thời 4.0  - Ảnh 2.

Nhiều phong trào và cuộc vận động của phụ nữ đã được sự đồng tình, ủng hộ của hội viên, phụ nữ và nhân dân, được các cấp ủy, chính quyền đánh giá cao

(3). Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phụ nữ đã tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn, xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội (trên địa bàn tỉnh hầu như không có chị em phụ nữ bị các phần tử xấu, phản động lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước); phụ nữ đã tích cực động viên chồng, con thực hiện nghĩa vụ quân sự; giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công; chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

(4). Từ phong trào và kết quả hoạt động của hội, nhiều chị em phụ nữ đã trưởng thành được giao giữ trọng trách quan trọng trong hệ thống chính của tỉnh, cụ thể như: nhiệm kỳ 2020-2025 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp ở tỉnh là 18,46%%, tăng 4,14% so với nhiệm kỳ 2015-2020, cao hơn yêu cầu của Trung ương (Chỉ thị thị 35 yêu cầu 15% trở lên); Tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 ở 3 cấp là 25% (tăng 3,35% so với nhiệm kỳ 2016-2021). 

Các tầng lớp phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định tiềm năng to lớn và vai trò trong gia đình và xã hội, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo tiền đề và động lực để công tác Hội và phong trào phụ nữ toàn tỉnh ngày càng lớn mạnh.

Nhiều chính sách khơi dậy tiềm năng của phụ nữ trong thời 4.0  - Ảnh 3.

Các tầng lớp phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định tiềm năng to lớn và vai trò trong gia đình và xã hội

+ Tỉnh Vĩnh Phúc đã có chính sách đầu tư, đào tạo gì dành cho các cán bộ nữ, đặc biệt trong giai đoạn kỷ nguyên số 4.0, xin ông chia sẻ?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều chính sách dành cho công tác phụ nữ. Tiêu biểu như các chính sách về xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Cụ thể:

Tỉnh đã ban hành Nghị quyết có chính sách đặc thù dành riêng về công tác phụ nữ và một số Nghị quyết có chính sách lồng ghép nội dung liên quan đến việc hỗ trợ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

* Với chính sách dành riêng đối với phụ nữ: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số16/2020/NQ-HĐND, ngày 14/12/2020 "Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 - 2025", trong đó tập trung hỗ trợ đối tượng là phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi có chồng, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng nông thôn, vùng  miền núi, đối tượng bảo trợ xã hội tự nguyện thực hiện dịch vụ  kế hoạch hóa gia đình, qua đó giúp phát hiện sàng lọc trước khi sinh, đảm bảo sức khỏe sinh sản, cho các đối tượng…

Nhiều chính sách khơi dậy tiềm năng của phụ nữ trong thời 4.0  - Ảnh 4.

Phụ nữ được quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế

* Nhóm các chính sách lồng ghép hoặc gián tiếp trong một số nghị quyết mang tính an sinh xã hội, trong đó đối tượng thụ hưởng gồm có phụ nữ, trẻ em chiếm số lượng lớn, thể hiện bình đẳng giới, văn minh, tiến bộ, luôn hướng đến người phụ nữ:

- Chính sách hỗ trợ để phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có 02 nghị quyết: Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 quy định một số chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng và thu hút giai đoạn 2017-2021; Nghị quyết số 06/2021/NQ-HDND ngày 03/8/2021 về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025.

Một số Nghị quyết về chính sách an sinh xã hội, trong đó nhóm đối tượng là phụ nữ, trẻ em được quan tâm hướng đến và chiếm tỷ lệ lớn, có thể nêu ra một số nghị quyết tiêu biểu liên quan đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động việc làm, giảm nghèo… Đặc biệt, ngày 15 tháng 8 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc.

Nhiều chính sách khơi dậy tiềm năng của phụ nữ trong thời 4.0  - Ảnh 5.

Chính sách an sinh xã hội quan tâm đến nhóm đối tượng là phụ nữ, trẻ em

+ Vậy tỉnh đã có những cơ chế gì để quan tâm, tạo điều kiện nâng cao trình độchuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nữ, thưa ông? 

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ nhằm động viên, khích lệ trong công tác và tinh thần học tập, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ như:

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh phúc đã ban hành Quy định số 05-QĐ/TU ngày 29/3/2022 về công tác quy hoạch cán bộ. Trong đó, quy định cụ thể về cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp uỷ và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng cán bộ nữ từ 25% trở lên. 

Ngoài ra, Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, năng lực, trình độ chuyên môn, thực tiễn công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp hằng tháng của từng chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Trong đó, Phó Chủ tịch Hội LHPN được hưởng mức phụ cấp: 1,0 mức lương cơ sở đối với cấp xã loại 1; 0,9 mức lương cơ sở đối với cấp xã loại 2; 0,8 mức lương cơ sở đối với cấp xã loại 3; Chi hội trưởng Phụ nữ được hưởng mức phụ cấp: 0,3 mức lương cơ sở).

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 38/2018/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 về quy định một số mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở trong nước trên địa bàn tỉnh (Ngoài hỗ trợ cho cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, cán bộ, công chức là nữ còn được hỗ trợ theo các chính sách, chế độ quy định của pháp luật về bình đẳng giới là 500.000 đồng/tháng; nếu đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng thì được hỗ trợ 600.000 đồng/tháng).

Nhìn chung, những năm qua phụ nữ Vĩnh Phúc đã được thụ hưởng nhiều chính sách về học tập, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ , đào tạo nghề hỗ trợ tạo việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cả vợ và chồng; chính sách ưu đãi vay vốn đối với các hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ đơn thân, phụ nữ dân tộc thiểu số… khuyến khích phụ nữ vay vốn đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc triển khai thực hiện các Đề án, chương trình, chính sách của tỉnh... đã góp phần chăm lo, bảo vệ phụ nữ, đáp ứng kịp thời nhu cầu, tình cảm, nguyện vọng của đông đảo phụ nữ và nhân dân.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm