Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên áo khoác người đi bộ nếu ở ngoài trời trong 1 tuần vào mùa thu

N.A
01/09/2020 - 06:07
Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên áo khoác người đi bộ nếu ở ngoài trời trong 1 tuần vào mùa thu
Nghiên cứu của trường Đại học Kansas (Hoa Kỳ) cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt lâu hơn trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp của mùa thu.

Ngày 31/8, tờ SCMP đã đăng tải kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học do Giáo sư vi sinh vật học thú y Juergen Richt (Đại học bang Kansas) dẫn đầu, được công bố trên trang web bioRxiv.org. Họ phát hiện rằng, ở nhiệt độ và độ ẩm thấp, virus có thể tồn tại trên áo khoác của người đi bộ nếu ở ngoài trời trong một tuần và có khả lây nhiễm trong thời gian đó. Trong khi đó, vào mùa hè, tuổi thọ của nó được ước tính là từ 1 đến 3 ngày.

Virus SARS-CoV-2 có thể sống lâu hơn vào mùa thu - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Kansas (Hoa Kỳ) cho rằng virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn vào mùa xuân và mùa thu so với mùa hè. Ảnh: AP

Các nhà nghiên cứu cũng nhận định, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu hơn ở trong nhà và trong điều kiện thời tiết khô, lạnh hơn. Theo kết quả nghiên cứu, tốc độ phân hủy của virus này là gần 8 giờ trên bề mặt tay nắm cửa bằng thép không gỉ hay gần 10 giờ trên cửa sổ, lâu gấp đôi so với tốc độ phân hủy vào mùa hè.

Để thực hiện quá trình nghiên cứu, nhóm của Giáo sư Richt đã sử dụng dữ liệu khí hậu từ miền Trung Tây của Hoa Kỳ để tái tạo điều kiện của các mùa trong các phòng an toàn sinh học. Nhiệt độ được kiểm soát ở mức 13 độ C và độ ẩm 66% cho mùa xuân và mùa thu, trong khi mùa hè được giữ ở mức 25 độ C và độ ẩm 70%.

Virus SARS-CoV-2 được bôi lên bề mặt của 12 vật liệu mọi người tiếp xúc hằng ngày, như bìa cứng, bê tông, cao su, găng tay và khẩu trang N95. Mục đích của các nhà khoa học là để tìm hiểu xem khả năng tồn tại của virus ở những môi trường cũng như mùa khác nhau.

Cộng đồng nghiên cứu trước đó đã hy vọng tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ chậm lại vào mùa hè, tin rằng nó khó tồn tại lâu trong thời tiết nóng. Nhưng viêc dịch bùng phát trở lại ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 80.000 ca mới/ngày lúc cao điểm mùa hè, đã đặt ra câu hỏi liệu có tác động theo mùa thật sự hay không?

Giáo sư Richt và các cộng sự đã khẳng định trong bản báo cáo: "Rõ ràng virus SARS-CoV-2 sống lâu hơn trong điều kiện mùa xuân hoặc mùa thu, chứ không phải mùa hè".

Virus SARS-CoV-2 có thể sống lâu hơn vào mùa thu - Ảnh 2.

Ông Robert Redfield, Giám đốc CDV Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ tình hình trở nên tồi tệ hơn vào mùa thu. Ông Robert Redfield, Giám đốc CDV Hoa Kỳ, nhấn mạnh, mọi người cần phải làm 4 điều: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với nhau, rửa tay và tránh tụ tập đông người. Nếu không thực hiện nghiêm túc những điều này, đây có thể là "mùa thu tồi tệ nhất chúng ta từng có, từ góc độ y tế cộng đồng", ông khẳng định.

Tính đến hết ngày 31/8/2020, đã có hơn 25.500.000 ca nhiễm Covid-19 tại 215 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số này, có hơn 852.000 trường hợp tử vong. Hoa Kỳ hiện đang là quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất với hơn 6.187.000 ca, trong đó có hơn 187.000 trường hợp tử vong.

Nguồn: Theo SCMP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm