Viwasupco xả nước rửa bể thẳng ra suối: Đủ căn cứ khởi tố vụ án

06/11/2019 - 17:18
Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đổ nước xúc xả bể trung gian rồi đổ thẳng ra suối với khoảng 3.000m3 mà chưa qua xử lý ra môi trường là hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo ý kiến của luật sư, hành vi trên của Viwasupco là vi phạm pháp luật và đủ căn cứ khởi tố vụ án về tội gây ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội gửi UBND TP. Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã xả nước xúc, rửa bể trung gian ra môi trường mà không qua xử lý.

Cụ thể, bể chứa trung gian của Viwasupco tại thôn Dục (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) gồm 2 bể chứa số 1 và 2 (dung tích 30.000 m3/bể) để chứa nước sạch được dẫn chảy tự nhiên từ Nhà máy nước sạch Sông Đà. Khi phát hiện sự cố có váng dầu vào nước, đơn vị này đã ngừng cấp nước vào bể trung gian.

Đến ngày 18/10, sau khi có kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng nước của tất cả các trạm của Công ty do Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), Công ty đã cho xả kiệt bể số 2 của bể chứa nước trung gian và tiến hành xúc rửa 2 bể trung gian. Việc xúc rửa bể trên không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng công nhân cọ rửa cơ học.

Ngày 21/10/2019, Công ty tiến hành xả kiệt nước trong bể chứa trung gian. Tổng khối lượng nước xúc rửa xả ra môi trường trong ngày 21/10/2019 khoảng 2500 đến 3000m3. Đáng lưu ý, lượng nước sau khi xúc rửa đã được xả thẳng ra suối Đồng Bãi, (thuộc thôn Dục, xã Yên Bình).

Trước và trong quá trình xúc rửa bể chứa nước trung gian, Viwasupco không thông báo đến nhân dân, chính quyền địa phương, không xuất trình được quy trình xúc rửa và xả thải nước quá trình xúc rửa ra môi trường.

Nước suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội chuyển màu do nước xúc xả của Viwasupco

 Ngoài ra, Công ty chưa xuất trình được hồ sơ thiết kế bể chứa trung gian, hồ sơ về công tác chấp hành các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường và giấy phép xả thải. Công ty không thực hiện phân tích chất lượng nước xúc, xả vệ sinh bể chứa trung gian trước khi xả ra môi trường (vì nước dẫn vào bể trung gian là nước sạch).

Trước thông tin trên, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Viwasupco trước khi xả thải phải có thông báo gửi chính quyền địa phương biết và giám sát, tránh gây hoang mang cho dư luận, nhân dân trong khu vực. Chất lượng nước xả thải phải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.

UBND TP cũng đề nghị đơn vị nghiên cứu, thay đổi phương án xả thải; không xả thải ra suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

Căn cứ kết quả phân tích các mẫu nước xả thải tại phòng thí nghiệm, nếu các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn, UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Thạch Thất lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Đủ điều kiện khởi tố vụ án hình sự

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hành vi của xả thải của Viwasupco ra môi trường chưa được xử lý đã đủ điều kiện để khởi tố về Tội gây ô nhiễm môi trường, theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự.

 Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, Văn phòng Luật sư Hoàng Trung và anh em (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc công ty Viwasupco đổ nước xúc xả chưa qua xử lý ra môi trường là hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo quy định của pháp luật thì hành vi trên đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án về tội gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc khởi tố hay không khởi tố vụ án sẽ do cơ quan tố tụng đánh giá mức độ thiệt hại rồi mới quyết định.

Đất ven suối cũng đầy váng dầu

 Theo đó, Chủ thể của hành vi gây ô nhiễm môi trường là cá nhân từ đủ 16 tuổi. Ngoài ra, pháp nhân thương mại cũng có thể bị xử lý tội danh này.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015 thì các hành vi được xem là phạm tội gây ô nhiễm môi trường như sau:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;

b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;

c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần;

d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;

đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;

e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;

g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;

h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý. Hậu quả không còn là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu hành vi gây ô nhiễm không khí chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi đó vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Bởi hậu quả từ các hành vi gây ô nhiễm môi trường diễn ra trong một thời gian rất dài, và để lại hậu quả âm ỉ nên khó lòng đánh giá được trực tiếp trong một sớm một chiều.

Cũng theo Luật sư Trung, việc khởi tố 3 đối tượng đổ dầu thải tại khu vực đầu nguồn nước dẫn vào nhà máy, cơ quan tố tụng phải làm đến tận cùng bởi 3 người này không phải trực tiếp hưởng lợi. Do đó, cơ quan tố tụng cần làm rõ nguyên nhân, động cơ và người tổ chức, còn họ chỉ là đồng phạm giúp sức. “Nếu chỉ xử lý 3 người đổ dầu thải mà không xử lý đối tượng tổ chức thì mới xử lý phần ngọn và sẽ còn nhiều sự việc như thế xảy ra”, luật sư Trung nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm