pnvnonline@phunuvietnam.vn
VN-Index “bốc hơi” hơn 100 điểm sau 1 tuần giao dịch
Ảnh minh hoạ
Tham gia thị trường chứng khoán từ đầu năm nay, chị Nguyễn Thị Nga (34 tuổi, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) thở dài chia sẻ: "Thị trường đỏ cả tuần nay, lòng tôi nóng như lửa đốt. Mặc dù đã kỳ vọng thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục nhưng đến hôm nay, cùng với các thông tin kinh tế không mấy khả quan: đồng USD tăng giá, vàng chuẩn bị đấu thầu,… nên tôi đành chịu lỗ tới vài chục triệu đồng để đẩy hàng đi".
Ngoài trường hợp của chị Nga, thậm chí, một bộ phận nhà đầu tư vẫn gom thêm cổ phiếu với tâm lý "bắt đáy", nhưng, diễn biến phiên hôm nay khiến nhiều người rơi vào tình cảnh "lỗ chồng lỗ".
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (19/4), VN-Index tiếp tục chuỗi lao dốc dài với hơn 18 điểm giảm, về mức 1.174,85 điểm.
Thanh khoản đạt 23.682 tỷ đồng được sang tay, tương đương với 1.070 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tăng 25% so với phiên giao dịch trước đó vào ngày 17/4.
Trong phiên hôm nay, thị trường tiếp tục đỏ lửa với xu hướng phe bán áp đảo, biên độ giảm dao động trong khoảng từ 2-6%.
FPT (FPT, HOSE) đứng đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số VN-Index khi giảm 2,5%, đóng góp 1,73 điểm giảm. Kế tiếp là VIC (Vingroup, HOSE), HDB( HDBank, HOSE),...
Mặc dù đa số cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm mạnh, song, ở khía cạnh tích cực, ngân hàng đã cải thiện nhẹ khi không còn là nhóm ngành đóng vai trò làm lực cản cho thị trường, một số cổ phiếu có xu hướng tăng nhẹ, thuộc top cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất thị trường.
Tiêu điểm ở MSB (MSB, HOSE) tăng 1,9% tại thị giá 13.450 đồng/cp. Kế tiếp là SHB (SHB, HOSE) tăng nhẹ 0,45%, NAB (Nam Á Bank, HOSE) tăng 0,63%,…
Điểm sáng khác xuất hiện ở khối ngoại khi bất ngờ mua ròng 683 tỷ đồng. Lực mua tập trung với các cổ phiếu: VNM (Vinamilk, HOSE) đạt 94 tỷ, DIG (Tập đoàn DIC, HOSE) đạt 92 tỷ,...
Diễn biến tiêu cực của VN-Index đang được đặt trong bối cảnh nhiều luồng thông tin không mấy khả quan từ nền kinh tế.
Như vậy, chỉ sau một tuần giao dịch, VN-Index đã mất tổng gần 102 điểm, đánh mất nỗ lực sau cả một quý I, quay về vùng điểm đầu năm 2024.
Nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn đóng vai trò khiến thị trường giảm sâu, trong đó, nhiều cổ phiếu đã nhanh chóng mất gần 20% giá trị chỉ trong 1 tuần.
Điển hình các nhóm bất động sản, chứng khoán, đầu tư công và bán lẻ: NVL (Novaland, HOSE) giảm 18,36%, DXG (Bất động sản Đất Xanh, HOSE) giảm 21,21%, VND (Chứng khoán VNDirect, HOSE) giảm 13,9%, PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, HOSE) giảm 11,25%,…
Dù vậy, ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý bình tĩnh và lạc quan trước thị trường.
Đầu tư chứng khoán hơn 5 năm, chị Trần Minh Ngọc (49 tuổi, Q. Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Thị trường có giảm mạnh nhưng tôi đầu tư dài hạn nên chủ yếu nhìn vào hoạt động và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp mình đang đầu tư. Ngoài ra, thị trường hiện giảm về thời điểm đầu năm nay, đây cũng có thể coi là tín hiệu tích cực, VN-Index còn nhiều yếu tố để phục hồi nên hiện tại tôi không mua hay bán".
VN-Index hiện vẫn trong xu hướng tiêu cực, các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định, thị trường chưa thể lạc quan trong ngắn hạn, nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý nhà đầu tư phản ứng trước nhiều thông tin không mấy tích cực. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn, không nên bắt đáy vì thị trường chưa có dấu hiệu ngừng giảm.