VN-Index tăng đứng lên 1.250 điểm, song nhà đầu tư vẫn băn khoăn?

Minh Anh
28/02/2024 - 20:19
VN-Index tăng đứng lên 1.250 điểm, song nhà đầu tư vẫn băn khoăn?

Ảnh minh họa

VN-Index phi mạnh trong phiên hôm nay tới 17 điểm, vượt mốc 1.250 điểm sau 17 tháng nhưng thanh khoản không quá sôi động. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự lo lắng trước đà tăng này.

Thị trường tăng vọt hơn 17 điểm trong phiên hôm nay, vượt mốc kháng cự 1.250 điểm trước sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Đây cũng là mốc chưa từng xuất hiện tại VN-Index trong 17 tháng qua.

Chốt phiên với 1.254,5 điểm, đà tăng mạnh bắt đầu sau giờ nghỉ trưa, với 309 mã tăng, 180 mã giảm và 67 mã đi ngang.

Cùng lúc đó, tại sàn HNX, số điểm lại giảm nhẹ 0,22 điểm, xuống 235,16 điểm, còn UPCoM tăng nhẹ 0,14 điểm, lên 90,54 điểm.

Mặc dù số điểm tăng mạnh như vậy nhưng thanh khoản lại không quá sôi động, thậm chí có phần ảm đạm so với các phiên trước đó. Giao dịch tổng 3 sàn đạt khoảng 25.500 tỷ đồng. Riêng sàn HOSE đạt 22.700 tỷ đồng, khối lượng giao dịch gần 900 triệu cổ phiếu.

Dẫn dắt thị trường chủ yếu vẫn là nhóm cổ phiếu VN30, có vốn hóa lớn và các cổ phiếu ngành dầu khí.

Nhóm cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới chỉ số

VN-Index tăng đứng lên 1.250 điểm, song nhà đầu tư vẫn băn khoăn?- Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu blue-chips dẫn dắt đà tăng trưởng của thị trường, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm ưu thế (Nguồn: SSI iBoard)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hút mạnh dòng tiền trở lại, khi hơn nửa nhóm cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới chỉ số đều đến từ nhóm ngành này. Đồng thời, ngân hàng đang là nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường.

VN-Index tăng đứng lên 1.250 điểm, song nhà đầu tư vẫn băn khoăn?- Ảnh 2.

Cổ phiếu VCB tăng "tím" trong phiên hôm nay (Nguồn: SSI iBoard)

Nổi bật là VCB (Ngân hàng Vietcombank, HOSE), tăng kịch trần với gần 7%, lên 97.400 đồng/cp, đây cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu này.

Nối tiếp là VPB (Ngân hàng VPBank, HOSE) tăng 2,84%, ACB (Ngân hàng Á Châu, HOSE) tăng 1,45%…

Đi ngược với xu hướng thị trường, CTG (Ngân hàng Vietinbank, HOSE) là cổ phiếu duy nhất trong nhóm BIG4 giảm điểm với 0,55%, kế tiếp là SGB (Ngân hàng Saigon Bank, HOSE) giảm 2,22%, PGB (Ngân hàng PGBank, HOSE) giảm 1,9%…

TPB (Ngân hàng TPBank, HOSE), VPB (Ngân hàng VPBank, HOSE), SHB (Ngân hàng SHB, HOSE) và MBB (Ngân hàng MB, HOSE) là những cổ phiếu có giao dịch xấp xỉ 20 triệu đến 26 triệu đơn vị, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.

Có thể thấy, thời gian qua, dòng tiền đổ vào nhóm ngân hàng đã giúp thúc đẩy nhiều mã cổ phiếu thuộc nhóm này vượt vùng đỉnh lịch sử hoặc duy trì ở vùng đỉnh sau chuỗi tăng liên tiếp, gồm: BID (Ngân hàng BIDV, HOSE), HDB (Ngân hàng HDBank, HOSE), NAB (Ngân hàng Nam Á, HOSE),…

Ngoài ra, cổ phiếu PVD (CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, HOSE) cũng đã tăng hết biên độ với 7%, quay lại vùng 30.000 đồng/cp kể từ tháng 7/2015, dẫn đầu nhóm cổ phiếu dầu khí, tạo nên điểm nhấn cho thị trường.

Sau phiên "rung lắc" giảm 15 điểm vào cuối tuần trước, VN-Index liên tiếp tăng mạnh trong 3 phiên qua, lần lượt tăng 11, 13 và 17 điểm. Trước bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo lắng nhiều hơn là vui mừng.

Chị Nguyễn Minh Thư (40 tuổi, ở Hà Nội), một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, chia sẻ: "Thị trường tăng chóng mặt nhưng thanh khoản lại không quá lớn khiến tôi thấy lo lắng nhiều hơn, đặc biệt là nhóm ngân hàng đã tăng mạnh khá lâu, không biết thời gian tới, nhóm ngành này còn được thúc đẩy nữa không?".

VN-Index tăng đứng lên 1.250 điểm, song nhà đầu tư vẫn băn khoăn?- Ảnh 3.

VN-Index vượt mốc 1.250 điểm sau 17 tháng, khiến nhiều nhà đầu tư bối rối (Nguồn: SSI iBoard)

Theo nhiều ý kiến từ giới phân tích, cổ phiếu ngân hàng đã có đà tăng khá dài từ cuối năm ngoái đến nay, thời điểm này mới mua sẽ tiềm ẩn nguy cơ "đu đỉnh".

Chứng khoán VCBS khuyến nghị, thị trường tăng điểm chủ yếu nhờ nâng đỡ từ nhóm vốn hóa lớn nhưng chưa có sự lan tỏa ra các phần còn lại của thị trường. Nhà đầu tư nên chuyển dần sang các cổ phiếu có dấu hiệu xây nền chắc chắn và có tín hiệu dòng tiền vào ổn định, thuộc một số nhóm ngành: chứng khoán, dầu khí, ngân hàng.

Chứng khoán Beta thì cho rằng, thị trường có khả năng kiểm định lại mốc 1.250 điểm. Nhà đầu tư nên thận trọng hạn chế mua đuổi cổ phiếu ở trạng thái tăng quá nóng để tránh áp lực chốt lời, dẫn đến rủi ro điều chỉnh. Còn những nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu ở trạng thái tăng nóng hoặc đã đạt được mục tiêu, có thể cân nhắc chốt lời một phần để đảm bảo hiệu suất đầu tư.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm