pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng hết tình còn nghĩa, sao lại dùng thủ đoạn xảo quyệt gài bẫy nhau?
Người phụ nữ bị đưa ra xét xử vì nhờ người cài ma túy vào xe ô tô để bẫy bạn trai vào tù
Dùng ma túy để gài bẫy
Theo thông tin ban đầu, T. và anh Y. (ngụ cùng địa phương) đã ly hôn từ năm 2016, nhưng vẫn sinh sống chung với nhau như vợ chồng. Nghi ngờ chồng có mối quan hệ ngoài luồng với phụ nữ khác, T.T.T (trú tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắc Lắk) đã tìm cách "dạy cho chồng một bài học". Thay vì theo dõi, lên kế hoạch đánh ghen hay chửi bới, ngăn cản, T. đã chọn cách mà ít ai ngờ tới.
Ngày 15/8, T. tìm mua 3 gói ma túy đá với giá 7 triệu đồng. Về nhà, T. hòa một phần với nước chanh cho chồng uống, số còn lại T. dùng khẩu trang y tế cuộn lại, nhét vào đuôi xe máy của chồng.
Sau đó, T. gọi điện cho công an báo rằng chồng mình đang tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong quá trình điều tra xác minh, T. nhận thấy sự việc sắp bị bại lộ nên đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Trước đó, tại Hà Nội từng xảy ra một vụ việc tương tự khiến dư luận xôn xao. Một người phụ nữ đã bỏ ra cả tỉ đồng chỉ để... cài bẫy đưa chồng vào tù.
Nguyễn Thị Vân (SN 1982, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) sống như vợ chồng với anh Nguyễn Văn Thiện (SN 1975). Do mâu thuẫn trong tình cảm và làm ăn nên Vân nảy sinh ý định cho ma túy vào xe ô tô của anh Thiện để người này bị bắt. Với ý định này, Vân đưa cho bà Nguyễn Thị Vững (SN 1978, ở Hà Nội, là Thượng úy công an, công tác tại Cục Cảnh sát Phòng chống buôn lậu Bộ Công an) một phong bì, mặt trước ghi số nhà và biển số xe. Vân nói với bà Vững là xe này (xe anh Thiện) có ma túy và nhờ báo công an bắt.
Sáng 28/6/2016, Vững đưa số điện thoại bảo Vân liên lạc để nhận hàng. Khoảng 12 giờ cùng ngày, một người đàn ông (chưa xác định được) đã bỏ ma túy vào gốc cây trên phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ. Sau đó, Vân lấy ma túy này để vào cốp trước trong ôtô của anh Thiện. Chiều tối cùng ngày, khi cùng anh Thiện đi gặp khách tại Mỹ Đình, Vân gọi điện báo cho bà Vững đường đi của ôtô. Bà Vững báo lại cho cảnh sát về việc chiếc ôtô của anh Thiện có ma túy. Khoảng 21 giờ 30 cùng ngày, lực lượng cảnh sát cơ động đã kiểm tra, phát hiện trên xe của anh Thiện có hơn 7 gram heroin và 1,5 gram methamphetamin.
Anh Thiện bị bắt giữ nhưng sau đó cơ quan điều tra không thể chứng minh tội phạm. Được trả tự do, anh Thiện sau đó thu thập chứng cứ rồi tố cáo hành động vu khống của người tình.
Cuối cùng, tòa án đã tuyên Nguyễn Thị Vân mức án 6 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Vững 7 năm tù giam về tội "tàng trữ trái phép chất ma túy" và tội vu khống.
Vi phạm pháp luật, trái đạo đức
Theo các chuyên gia, luật sư, xung quanh câu chuyện vợ, chồng (hoặc chung sống như vợ chồng) sử dụng ma túy để cài bẫy đối phương vào tù không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi trái với đạo lý. Chỉ vì để thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn những bức xúc cá nhân mà những phụ nữ này dùng thủ đoạn xảo quyệt để đẩy người khác vào tù tội.
Chuyên gia tâm lý gia đình Trịnh Trung Hòa cho rằng, sử dụng thủ đoạn xảo quyệt để đẩy người khác vào tù tội đã là điều không thể chấp nhận được, huống hồ đây lại là người đầu gối tay ấp với mình. Người xưa luôn đề cao nghĩa vợ chồng. Vợ chồng hết tình còn nghĩa, người xưa đã răn dạy như vậy rồi.
Việc gài bẫy để đẩy chồng hay người chung sống với mình như vợ chồng vào tù là hành vi vừa trái đạo đức, chuẩn mực xã hội lại vừa vi phạm pháp luật. Theo chuyên gia, vợ chồng phải thẳng thắn trao đổi với nhau, cùng nhau hóa giải những mâu thuẫn thường ngày thay vì để tích tụ trong người, tạo nên những quả "bom nổ chậm".
Theo chuyên gia Trịnh Trung Hòa, một trong những giải pháp quan trọng và mang tính bền vững nhất chính là xây dựng các mối quan hệ cơ bản trong gia đình, bao gồm: mối quan hệ giữa vợ và chồng, mối quan hệ cha mẹ - con cái, mối quan hệ ông bà – con cháu, mối quan hệ anh chị em... Trong các quan hệ này thì mối quan hệ vợ chồng phải được đặc biệt coi trọng. Trong xã hội hiện nay, đây là mối quan hệ cơ bản nhất nhằm duy trì sự bền vững của gia đình.
Sợi dây ràng buộc, gắn bó vợ chồng cũng như các thành viên khác trong gia đình không chỉ là những trách nhiệm, nghĩa vụ mà quan trọng hơn cả mối liên hệ tình cảm. Do đó, các tiêu chí trong mối quan hệ vợ chồng như sự chung thủy, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau... sẽ tạo nên sự ổn định về tinh thần, sự cân bằng về tâm lý cho mỗi thành viên trong gia đình ấy.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, những hành vi dùng ma túy để gài bẫy nhằm đẩy chồng vào tù tội có dấu hiệu vi phạm 2 tội danh hình sự.
Đó là tội "tàng trữ trái phép chất ma túy" theo Điều 249 Bộ luật hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hình phạt cụ thể đối với hành vi này sẽ phụ thuộc vào khối lượng ma túy mà người vợ đã mua để gài bẫy chồng.
Thứ hai, việc làm này của người vợ có dấu hiệu của tội vu khống theo điểm b khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể, người vợ đã có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Mức phạt theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự là phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm; mức phạt cao nhất theo khoản 3 điều này lên đến bảy năm tù.