pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng về quê xây nhà, thu nhập hơn 50 triệu/tháng nhưng vẫn không có dư
Như Ngọc
Thu nhập hơn 50 triệu/tháng nhưng không có dư
Như Ngọc (sinh năm 1992) cùng chồng và 2 con (bé lớn 7 tuổi, bé nhỏ 3 tuổi) đang sống tại Ninh Hoà, Khánh Hoà. Vào tháng 11/2022, gia đình cô đã quyết định chuyển từ TP Hồ Chí Minh về quê để sinh sống sau một thời gian dài học tập và làm việc tại thành phố lớn.
Thời gian ở TP Hồ Chí Minh, vợ chồng Như Ngọc vừa đi làm văn phòng vừa kinh doanh hải sản. Vào tháng 4/2021 khi kinh doanh hải sản với thu nhập ổn, Như Ngọc xin nghỉ việc và kinh doanh tự do từ thời điểm đó tới nay. Bên cạnh đó, vợ chồng Như Ngọc xây nhà nuôi chim yến vào năm 2019 ở quê, năm 2022 bắt đầu có thu hoạch. Công việc kinh doanh ở quê thuận lợi, gia đình cô quyết định chuyển về quê sống.
"Vốn dĩ, mình rất thích cuộc sống ở quê. Hiện tại, mình chủ yếu kinh doanh hải sản nên về quê thuận lợi cho công việc hơn. Hơn thế nữa, về quê được sống gần gia đình, không khí dễ thở trong lành hơn". Thu nhập của vợ chồng Như Ngọc khoảng 50-80 triệu/tháng.
Theo Như Ngọc, chi phí sinh hoạt ở quê thấp hơn so với khi ở thành phố. Đầu tiên, gia đình cô đã cắt được khoản tiền thuê nhà 12 triệu/ tháng vì đã có nhà ở quê. "Vợ mình chồng có sẵn đất ở quê nên khi quyết định về quê sinh sống thì đã xây nhà trên mảnh đất này. Tuy nhiên, do lúc mới về quê chưa có kế hoạch cụ thể trong khía cạnh tài chính nên vẫn phải vay mượn thêm người thân để xây nhà".
Căn nhà ở quê
Bên cạnh đó, 2 bé đi học tiểu học và mầm non ở quê là trường công nên chi phí cũng khá thấp. Trước đây, ở TP Hồ Chí Minh tiền học của con là 12 triệu/tháng, về quê con số này chỉ còn khoảng 2 triệu/tháng đã gồm tiền ăn bán trú.
Theo Như Ngọc, tiền ăn của gia đình sẽ rơi vào khoảng 8-10 triệu/ tháng. "Gia đình mình thích ăn uống, thường rất chú trọng về dinh dưỡng cho các bữa ăn hàng ngày với các loại hải sản cho các con ăn. Con sẽ ăn tối ở nhà, hai vợ chồng làm việc ở nhà nên sẽ ăn trưa và ăn tối tại nhà, một bữa ăn của gia đình khoảng 50-150 nghìn đồng. Tiền trái cây và đồ ăn vặt của cả gia đình khoảng 2-3 triệu/ tháng. Cuối tuần thường, gia đình mời anh chị em tới ăn uống cùng ở nhà, khoản chi này thêm 1 triệu/tháng".
Gia đình Như Ngọc có khoản tiền phải trả ngân hàng cố định là 25 triệu/ tháng cho việc mua đất và kinh doanh để đầu tư "tiền đẻ ra tiền" trong tương lai. Ngoài ra, vì gia đình kinh doanh nên tiền điện nước, khoảng 4 triệu/tháng. Sau khi trừ các chi phí, vợ chồng Như Ngọc còn dư khoảng 10 triệu/tháng cho đám cưới, xăng xe, mua sắm, đi chơi và các khoản phát sinh bao gồm việc trả tiền vay mượn người thân xây nhà. "Vì gia đình kinh doanh nên thu nhập hàng tháng không cố định, tháng nào doanh thu tăng thì mình sẽ để dành riêng làm khoản tiết kiệm. Nếu có dư nhiều, mình sẽ mua vàng để dành trả nợ".
Không quá chú trọng tiết kiệm, muốn đầu tư nhiều hơn cho trải nghiệm
Hiện nay, một số người cho rằng về quê thì chi tiêu có thể giảm nhưng đồng thời thu nhập cũng thấp hơn trên thành phố lớn, không có con đường phát triển sự nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, theo Như Ngọc, hiện nay ở quê cũng phát triển cơ sở hạ tầng, đời sống nâng cao, cơ hội nghề nghiệp cũng mở rộng để chào đón các bạn trẻ về quê lập nghiệp. Chẳng hạn như gia đình cô về quê kinh doanh có thu nhập khá tốt so với những người trẻ làm việc ở thành phố lớn.
Còn về chi phí sinh hoạt, mỗi gia đình sẽ có những quan điểm riêng từ đó dẫn đến cách chi tiêu khác nhau. Như Ngọc coi trọng việc ăn uống của gia đình và cuối tuần thường cho con đi chơi, ăn uống và trải nghiệm biết thêm nhiều nơi mới nên không có suy nghĩ tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Thay vì chú trọng vào tiết kiệm, cô sẽ vạch ra kế hoạch có được thu nhập tốt hơn để nâng cao đời sống của gia đình. "Mình quan niệm, mỗi người đều chỉ có một cuộc đời, phải sống thật vui vẻ, hạnh phúc và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình. Chi tiêu đúng và cần thiết, đừng quá tiết kiệm chi li để rồi sau này sẽ có luyến tiếc". Tuy nhiên, cô vẫn luôn có kế hoạch tương lai cụ thể, không quá tiết kiệm nhưng cũng phải tích lũy cho sau này.
Đối với những người trẻ vừa kết hôn, Như Ngọc chia sẻ rằng vợ chồng trẻ thường chi tiêu khá thoải mái nhưng khi có em bé rồi sẽ có nhiều khoản phát sinh không tên. Do vậy, từ lúc đầu khi mới kết hôn, vợ chồng cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, trong chi tiêu hàng tháng cần có tích lũy để mua đất mua nhà, đầu tư thêm một số lĩnh vực để tạo thêm thu nhập. Vì khi ổn định được kinh tế, chi tiêu thoải mái trong cuộc sống thì gia đình mới hạnh phúc.