pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ cũ đòi thù lao mỗi lần tới đón con về nhà chơi
Ảnh minh họa
Anh Trần Văn Chiến quê ở tỉnh Hà Nam buồn bực nói: "Trong phiên tòa ly hôn cách đây 5 năm, cô ấy đồng ý để tôi nuôi con và sẽ chu cấp tiền nuôi con là 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tôi đã từ chối nhận chu cấp tiền nuôi con ngay tại toà, dù tòa án vẫn yêu cầu như vậy. Từ đó, tôi không nhắc gì đến tiền chu cấp, cô ấy cũng không đưa tiền nuôi con lần nào. Lần này, tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp xem làm thế nào để cô ấy phải thực hiện chu cấp tiền nuôi con theo đúng phán quyết của tòa, thay vì bắt tôi phải trả thù lao cho mỗi lần cô ấy đón con về chơi. Tôi vô cùng khó chịu, có lẽ do thấy tôi quá nhẫn nhịn nên cô ấy ngày càng quá đáng...".
Anh Chiến cho biết, trước khi kết hôn, anh biết rõ vợ mình có mối tình sâu đậm thời học phổ thông. Anh hy vọng với công việc ổn định, thu nhập khá của kỹ sư điện lực, anh sẽ là người bạn đời đồng hành cùng cô ấy suốt cuộc đời. Thế nhưng, anh vẫn không thể tin điều xảy ra với mái ấm vừa nhen nhóm thắp lên.
"5 năm trước, khi vợ tôi sinh bé Nga được 7 tháng, sau lần gặp lại mối tình đầu thời còn đi học, cô ấy về nhà bỗng thay đổi tính nết, vợ chồng nhiều lần cãi vã, giận hờn. Rồi một ngày, cô ấy mang hết tiền bạc trong nhà để đến với người đó. Tôi ôm con gái bé bỏng còn khát sữa mẹ với ý nghĩ muốn giết chết cô ấy vì sự phản bội đến vô tình. Nhưng tôi chỉ có thể nói "cô hãy đi đi", khi cô ấy nói rằng "em chọn người đó, mong anh và con tha thứ".
Những ngày đầu khi cô ấy bỏ đi với người tình, anh Chiến như muốn phát điên với căn nhà trống trải, vắng bóng người phụ nữ mà cả anh và đứa con gái nhỏ hết mực yêu thương. Anh chờ đợi sự quay lại của chị trong vô vọng. Rồi ngày mà anh lo sợ nhất đã đến, anh nén lòng ký vào đơn ly hôn. Phiên tòa ly hôn lặng lẽ, nhanh chóng kết thúc khi cô ấy không tranh quyền nuôi con với anh.
Cô ấy lấy chồng sau ngày ly hôn 3 tháng. Hơn 1 năm sau cô ấy mới liên lạc hỏi thăm con nhưng không ghé thăm con lần nào. Thấy con nhiều lần nói nhớ mẹ, dù không muốn đối mặt nhưng anh vẫn gợi ý mong chị trở về thăm con.
Anh Chiến tiết lộ: "Mẹ tôi đã gần 70 tuổi, chính là người giúp tôi chăm sóc con nhỏ khi mẹ nó bỏ đi. Mỗi lần tôi cáu giận, muốn chán chường, bê tha rượu chè, thậm chí muốn cắt đứt luôn mối quan tâm của cô ấy với con gái nhưng bà luôn vỗ về bảo tôi, anh cứ ăn ở hiền lành mà để đức cho con...".
"Từ khi lấy chồng mới xong, cô ấy làm ăn được, suốt ngày cô ấy khoe làm chủ cửa hàng áo cưới, khoe đi ăn uống, đi chơi. Nhưng có lẽ cô ấy quên mất rằng cô ấy còn có đứa con gái vẫn mong được mẹ ôm ấp, yêu thương như bao đứa trẻ khác", anh Chiến xót xa nói.
Sau khi nghe câu chuyện của người đàn ông "gà trống nuôi con", vị luật sư bày tỏ sự cảm thông với nỗi bức xúc của anh. Nguyện vọng của anh đòi tiền chu cấp nuôi con của vợ cũ là chính đáng. Nhưng cũng như anh tâm sự, nếu người mẹ nào thương con sâu đậm, chắc đã tự nguyện về thăm con, chu cấp cho con gái từ những gì nhỏ nhất. Còn vợ cũ của anh thì ngược lại. Đó là điều đáng buồn, đáng trách với một người mẹ vô tình đến thế.
5 năm qua, anh đã kiên cường, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn để nuôi dưỡng con và có cuộc sống bình yên cùng mẹ già. Rốt cuộc bố con anh cũng chẳng phải vì quá bí bách, cần đến số tiền chu cấp của vợ cũ để sống tiếp mà anh chỉ vì bức xúc mới muốn nhờ pháp luật đòi lại số tiền này. Vị luật sư khuyên anh hãy 1 lần nói chuyện thẳng thắn với vợ cũ về nỗi bức xúc của mình. Rằng con gái không có lỗi gì trong chuyện hôn nhân không lành giữa anh và chị để cô ấy có cơ hội bày tỏ thương yêu với con. Hãy dùng số tiền mà lẽ ra cô ấy phải chu cấp nuôi con để bù đắp cho con, thay vì làm chuyện ngược đời là đòi tiền thù lao đón con.
Hơn 3 giờ đồng hồ nghe tâm sự của người đàn ông ấy, vị luật sư cũng đem đến cho anh niềm tin vào cuộc sống, nhân lên sự tử tế mà nhiều năm qua anh đã thể hiện trong việc nuôi dạy con. "Chỉ cần cố gắng để 2 bố con tôi có cuộc sống không quá cầu kỳ, chỉ cần thương yêu con đúng mực thì mọi chuyện dù khó đến mấy, đau lòng hay uất hận đến mấy rồi cũng an yên". Anh Chiến khẽ gật đầu đồng tình với luật sư.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi