Vợ chồng Hoài đến muộn vì trời mưa, mãi mới kêu được taxi. Mấy cô bạn vỗ vai bảo: “Cả nhóm còn mỗi vợ chồng cậu chưa có ô tô. Đầu tư ngay một cái để đi lại cho chủ động”. Hoài chép miệng, thở dài: “Tớ số khổ, nặng gánh. Con nhỏ, quê xa, cũng muốn có ô tô lắm chứ, nhưng xem ra... giấc mơ mãi chỉ là giấc mơ thôi”. Những lời thản nhiên của Hoài khiến Đông tái mặt. Dù bạn bè nhanh chóng “đánh lạc hướng” sang chuyện khác và tỏ ra cởi mở, nhiệt tình nhưng suốt cả buổi gặp gỡ, nỗi hẫng hụt cứ trào dâng trong lòng Đông.
***
Đây không phải lần đầu tiên Hoài khiến chồng “mất mặt” vì tiền bạc và ô tô. Cách hành xử thiếu khéo léo, tế nhị đó đã hằn lên trong hôn nhân những vết rạn. Trước khi nên duyên cùng Hoài, Đông đã chắt chiu, dành dụm mua được 1 căn hộ chung cư cũ. Nhưng ngay sau ngày cưới, Hoài tỉ tê bảo: “Bố mất sớm, bao nhiêu năm qua mẹ hy sinh hạnh phúc cá nhân, tần tảo nuôi em khôn lớn. Em không đành lòng khi chưa báo đáp được gì lại để mẹ lủi thủi một mình. Chúng mình dọn về ở cùng mẹ, anh nhé”. Chiều lòng Hoài, Đông vui vẻ ở rể.
Căn hộ chung cư cũ, Đông cho vợ chồng em gái mượn. Vợ chồng em gái Đông làm công nhân, thu nhập thấp, con lại bị bệnh tim bẩm sinh, chữa trị tốn kém nên cuộc sống rất chật vật. Đã thành thông lệ, tháng nào lĩnh lương xong, Đông cũng cho cháu 500 ngàn đồng “mua sữa”. Là anh cả trong gia đình có 3 anh em, cũng là người được học hành đến nơi đến chốn nhất, Đông luôn chủ động gánh vác mọi trọng trách. Từ việc đóng góp xây từ đường họ, trang trải thuốc thang khi bố mẹ đau ốm, lễ Tết, giỗ chạp… đều một tay Đông lo liệu. Chú út đi làm tận miền Nam, lấy vợ rồi định cư hẳn trong đó, kinh tế còn khó khăn, vài ba năm mới thu xếp về quê được 1 lần. Đông không có việc đột xuất hoặc bận đi công tác, thì cứ 2 tuần sẽ về thăm bố mẹ. Thời gian đầu, Hoài còn về cùng chồng, nhưng dần dà, cô cằn nhằn ngồi xe máy suốt chặng đường 50km ê ẩm hết người nên về thưa dần.
Từ dạo mang bầu rồi sinh con, chỉ những dịp “chẳng đừng được”, mẹ con Hoài mới cùng Đông về quê. Lần nào Đông cũng phải nghe cái điệp khúc: “Người ta có ô tô đi lại nắng không đến mặt, mưa chẳng đến chân, còn mình lóc cóc cái xe máy ngang với hành xác. Người lớn còn mệt, bảo sao trẻ con cứ về quê lên là hắt hơi, sổ mũi”.
***
Có lần giận chồng, Hoài tức tối kể lể số tiền hàng tháng phải chu cấp cho bố mẹ Đông, tiền đóng góp lễ Tết, giỗ chạp, biếu xén cô dì, chú bác Đông hàng năm. Hoài còn tính nếu em gái Đông không ở nhờ, mỗi năm Hoài cũng có thêm vài chục triệu tiền thuê nhà. Rồi Hoài kể lể mẹ đẻ bao nhiêu năm tích cóp được đồng nào cũng bù trì cho gia đình con gái. Con trai Hoài phổng phao cũng nhờ sự chăm sóc sớm hôm của bà ngoại, chứ bà nội có đoái hoài gì đến cháu đâu.
Giận Hoài, tạm biệt nhóm bạn xong, Đông bế con lên taxi ngồi trước. Một lát sau, Hoài đi ra, lỉnh kỉnh xách theo mấy túi đồ. “Ghé qua nhà cô Lan đi. Em mua cho thằng Bo, con cô ý, ít xôi chim bồ câu, tôm hấp và cả khoai tây chiên rồi đây”, Hoài nói. Đông chép miệng: “Vẽ vời ra làm gì. 9 giờ tối rồi, lại ngược đường hàng chục cây số”. Hoài thuyết phục: “Thôi, chịu khó chút mà. Hôm trước em dẫn đi, Bo thích, ăn ngấu nghiến và cứ nói bác nhớ mua nữa nhé”. Bỗng nhiên, Đông thấy những giận dỗi lắng xuống. Ý định “lành làm gáo, vỡ làm muôi” mới đó ngùn ngụt mà giờ đã tiêu tan. Đông thấy thương vợ. Gắn bó với Đông, Hoài phải gánh theo bao trọng trách của dâu trưởng. Từ nhỏ, Hoài luôn được bố mẹ bao bọc, chỉ đến khi yên bề gia thất, Hoài mới đối diện với những khó khăn, thử thách nên đâu thể đòi hỏi cô thích nghi ngay được. Miệng nói vậy chứ Hoài chẳng có tâm địa gì. Bố chồng bị khớp, Hoài nhờ người mua thuốc gửi về cho ông, thương cháu Bo đau yếu, hễ có món gì ngon, Hoài lại bảo chồng mang sang cho cháu. Hoài cũng chưa một lần cấm Đông lo cho người thân.
"Nhân vô thập toàn”, Đông không còn chỉ nhìn thấy ở vợ sự xét nét, chi li nữa, mà thấy cả tấm lòng bao dung, nhân hậu. Mấy lời nói bộc trực, thiếu tế nhị của vợ có làm Đông tổn thương nhưng Đông tin, nếu chân thành góp ý, nhất định Hoài sẽ thay đổi.