Vỡ òa hạnh phúc làm cha mẹ từ trứng đông lạnh

04/04/2017 - 10:13
Sau 5 năm kết hôn, trong đó có 3 năm chữa vô sinh, vợ chồng chị Đỗ Hoài Thu (28 tuổi, Hà Nam) hạnh phúc được làm cha mẹ khi ôm cô con gái bé bỏng trong tay.
Ngày 4/4, chị Thu cho biết, chị sinh con vào cuối tháng 3 vừa qua, bé nặng 3,3kg. Chị bảo, hơn 1 năm về chung một nhà, vợ chồng chị chờ mãi không có tin vui dù không sử dụng biện pháp kế hoạch nào. Sốt ruột, hai vợ chồng cùng nhau đi khám và phát hiện chị Thu bị buồng trứng đa nang.

Các bác sĩ đã thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng cách bơm tinh trùng vào trứng 2 lần nhưng không thành công. Vì thế, bác sĩ chỉ định thụ tinh bằng phương pháp ICSI-tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương trứng.
thu.jpg
Niềm vui của vợ chồng chị Thu khi đón con gái đầu lòng
Hồi hộp chờ đợi, cuối tháng 6/2016, theo lịch hẹn, vợ chồng chị quay lại BV Bưu Điện để chọc trứng. Tuy nhiên, khi chị lấy trứng xong, vì lý do đột xuất, chồng chị không có mặt để lấy tinh trùng. Vì thế, các bác sĩ BV Bưu Điện quyết định đông lạnh toàn bộ trứng của chị Thu theo phương pháp mới nhất.

Tháng 7/2016, chồng chị Thu đến lấy mẫu tinh trùng. Sau đó, trứng được rã đông và thụ tinh bằng phương pháp ICSI, chị được bác sĩ chuyển 2 phôi.

Bác sĩ dặn chị Thu sau chuyển phôi 14 ngày tiến hành thử máu nhưng hồi hộp quá nên được 12 ngày, chị quyết định thử. Thấy chỉ số Beta HCG lên đến hơn 40, chị Thu đã mừng thầm gọi điện cho bác sĩ thì được dặn “theo dõi tiếp vài ngày sau mà chỉ số này vẫn lên thì chắc chắn có thai”.

“Đến ngày thứ 22 đi siêu âm thì đã thấy có túi thai, đợi đến 28 ngày thì có tim thai; rồi đến khi sinh con khỏe mạnh, cả vợ chồng không cầm được nước mắt vì vui sướng. Sau bao nỗ lực cuối cùng mái nhà của chúng em đã có tiếng cười con trẻ”, chị Thu nhớ lại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu Điện cho biết, trong một số trường hợp, phương pháp đông trứng có thể giúp bảo toàn cơ hội làm mẹ cho bệnh nhân nữ bị ung thư, chuẩn bị được điều trị bằng hóa, xạ trị. Ngoài ra, đông trứng còn mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ hiện đại, giúp lưu giữ một số lượng trứng có chất lượng tốt khi tuổi còn trẻ.
bs-nha.jpg
BS Nguyễn Thanh Nhã với con gái chị Thu
Đông trứng bắt đầu được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng đến gần đây, tỷ lệ trứng thoái hóa sau đông vẫn cao. Đây là trở ngại lớn nhất cho việc áp dụng phương pháp đông trứng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Một trong những điều gây khó khăn cho việc đông trứng đó là kích thước trứng: Trứng là tế bào lớn nhất trong cơ thể và cũng như các tế bào khác, trứng chứa rất nhiều nước. Do đó, khi đông trứng, việc hình thành các tinh thể đá nội bào sẽ phá hủy cấu trúc của tế bào trứng. Trong khi đó, phương pháp đông lạnh thủy tinh hóa vitrification (nhanh hơn phương pháp đông phôi/trứng cổ điển khoảng 600 lần) khi áp dụng cho đông trứng sẽ giúp loại trừ việc hình thành các tinh thể đá này, giảm thiểu tỷ lệ trứng thoái hóa sau rã đông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm