Cuộc hôn nhân của Hà Thị Thương, tỉnh Cao Bằng, mới nhen nhóm với kế hoạch 2 vợ chồng dự tính có con cái vào năm thứ 2 sau khi cưới. Tuy nhiên, mái ấm chưa kịp nóng thì đã lạnh lẽo như mùa đông vậy. Thương cười chua chát: “Lần thứ nhất em bị ốm phải nhập viện khi mới lấy chồng được 5 tháng, ngay khi đưa vợ vào bệnh viện cấp cứu, chồng em cuống cuồng gọi cho bà ngoại vào viện chăm vợ giúp.
Đành rằng có sự giúp đỡ của mẹ vợ, anh sẽ bớt khâu lo lắng vệ sinh cho vợ. Nhưng từ lúc có mẹ vợ xuống viện, anh đi làm, đi nhậu cùng bạn bè thâu đêm, say mèm, có khi 2 - 3 ngày mới vào viện ngó xem vợ thế nào rồi lại đi ngay, không quan tâm hỏi han xem vợ hay mẹ vợ ăn uống ở viện ra sao, tình trạng bệnh thế nào?”.
Cứ như vậy cho đến ngày Thương ra viện, chỉ có mẹ cô túc trực bên con gái lúc sốt cao, lúc bón từng thìa cháo, miếng sữa cho cô. “Sau lúc bình phục ở viện về, em bắt đầu cảm thấy tủi thân và buồn khi em có chồng mà như không, em thấy hoang mang khi tương lai của cuộc hôn nhân này còn rất dài…” - Thương bộc bạch.
Lần thứ 2 Thương bị trận cảm thương hàn, may mắn là cô không phải nhập viện, nhưng cũng sốt cao và vô cùng mệt mỏi cả tuần lễ. “Chồng em vội gọi mẹ vợ đến nhà giúp khi thấy em ốm. Có mẹ vợ rồi, anh cũng không hề lo hỏi chuyện ăn uống của vợ ra sao? Bảo anh đặt giúp nồi cháo, anh cũng đẩy sang nhờ mẹ vợ giúp nốt. Mỗi ngày đi làm về, thay vì ở cạnh vợ động viên, an ủi, anh ngồi cày phim hết bộ này đến bộ khác rồi lăn ra ngủ luôn ở phòng khách. Nhìn em tủi thân ứa nước mắt, mẹ em cứ vừa lấy khăn lau nước mắt, vừa động viên em mau khỏi ốm”.
Thương cho biết thêm, sau những tiếng thở dài của mẹ, cô cũng lờ mờ đoán được suy nghĩ của mẹ lo lắng cho con gái, cô khẽ lay tay mẹ khi cơn sốt đã dứt: “Mẹ ơi, liệu con có được làm lại từ đầu không? Có lẽ con đã đi sai đường rồi…” - Thương hỏi mẹ rồi oà khóc như đứa trẻ. Mẹ cô khẽ gật đầu, vuốt mái tóc dài rối bời của con, rưng rưng: “Có con ạ, con gái của mẹ phải kiên cường lên. Dẫu thế nào, con cũng phải cố gắng hết sức để thử sức mình đến đâu? Nếu không thể có hạnh phúc, lúc nào bố mẹ cũng chờ đón con trở về. Chỉ cần con nhận ra sai lầm, thì chưa bao giờ là muộn để con tìm lại cơ hội khác cho mình…” - Thương kể lời dặn dò, cảm thông thắt lòng của mẹ khi ôm chặt cô vào lòng vỗ về.
Cuộc nói chuyện của 2 mẹ con cô trong nước mắt, trước khi mẹ cô tạm rời xa con gái để về quê với nỗi lòng thắc thỏm, xót xa khi bà linh cảm được cơn sóng ngầm đã len vào hạnh phúc của con gái.
Sau trận ốm lần thứ 2, Thương bỗng cảm thấy cô đơn ngay cả khi nằm bên chồng. Thấy cô kiệm lời, thở dài ngao ngán, chồng cô cũng dường như vô cảm, ngáy đều và chẳng một lời quan tâm hay có chút gì áy náy trong lòng về chuyện vợ ốm, còn anh vẫn nhàn tênh với các cuộc hẹn hò, nhậu nhẹt.
“Sau quãng thời gian ốm, em chợt thấy gợn lên điều gì khó tả về khoảng cách tình cảm giữa 2 vợ chồng. Em bỗng ít nói vì tủi thân, còn anh cũng im lặng. Em chợt nghĩ, mới kết hôn năm đầu tiên, nếu mai này sinh con cái, em sẽ được nhờ gì, sẽ dựa vào đâu với người chồng như anh?” - Thương bộc bạch suy nghĩ của mình.
Sau 2 tháng sống trong im lặng, Thương dè dặt để lại lá đơn ly hôn trên bàn trước khi đi làm, cùng thông báo rằng cô sẽ về nhà mẹ đẻ ít hôm. “Em nghĩ lá đơn ly hôn như một canh bạc với cuộc hôn nhân này, nếu anh cần em, yêu vợ thì anh sẽ níu giữ… Không ngờ, sau hơn 1 tuần anh nhắn tin cho em: anh đồng ý ly hôn, em chuẩn bị thời gian lúc nào toà án gọi thì đến làm thủ tục cho toại nguyện nhé" - Thương cho biết trong nỗi bàng hoàng của một phép thử.
Lý do ra toà của vợ chồng Thương thật đơn giản: Vợ chồng sống không hợp nhau, không tài sản chung, không con cái. Dẫu cán bộ toà ra sức hoà giải, nhưng câu trả lời của Thương dứt khoát: “Tôi muốn ly hôn chồng”, còn anh cũng kiên quyết: “Tôi đồng ý ly hôn vợ vì cô ấy thiếu niềm tin cho tôi”.
Với cán bộ toà án: “Cuộc hôn nhân của vợ chồng Thương thật khó hiểu khi họ quyết định tiến đến hôn nhân sau 8 tháng tìm hiểu, nhưng rất lạnh lùng khi cả hai người không mảy may tiếc nuối khi chia tay. Thực sự, 2 vợ chồng này chưa kịp thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Tình cảm chưa đủ độ chín để cả người chồng và người vợ sẵn sàng sống vì nhau, tha thứ, bao dung cho nhau. Bên trong họ vẫn là cái tôi cá nhân rất lớn che lấp tất cả, nên họ không cảm thấy cần phải níu giữ nhau lại hay cho nhau một cơ hội nào…”.
“Em rất buồn khi chia tay trong tình cảnh chông chênh cõi lòng. Phải đến hơn 1 năm sau ly hôn, em mới biết là quyết định của mình đã đúng. Anh ấy và gia đình bên chồng không một lần trao đổi gì với phía nhà em, coi như cả 2 gia đình thông gia không còn mối liên quan, dù hơn 2 lần bố mẹ em điện thoại hẹn với thông gia xin gặp nhau trước ngày 2 vợ chồng em ra toà để thương lượng, can ngăn đôi trẻ, nhưng phía bên bố mẹ chồng em đã tắt máy luôn cho đến tận bây giờ” - Thương kể.
Đã gần 2 năm sau ly hôn, em hiểu rằng duyên nợ với bên nhà chồng cũ đã hết. Năm nay em 30 tuổi, em tận dụng thời gian đơn thân này cho công việc và đợi đến 36 tuổi xem có duyên với người đàn ông nào đó đủ can đảm che chở cho em cả cuộc đời hay không? Nếu không có ai hợp để đi bước nữa, em sẽ đi thụ tinh nhân tạo để sinh một đứa con làm chỗ dựa tinh thần cho mình suốt cuộc đời này. Kế hoạch của em cũng đã nhận được sự đồng tình của bố mẹ và gia đình, nên em không có áp lực nào cho riêng mình cả. Cuộc sống của mình có hạnh phúc hay không là do chính mình lựa chọn” - Thương tự tin bật mí về kế hoạch của mình không chút e ngại, đầy bản lĩnh và chín chắn của người phụ nữ trẻ sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi nhưng chứa đựng đầy cảm xúc cô đơn.