Đã có lần, em chê anh “cổ lỗ sĩ” nên mới không có facebook, không thích chat chít. Dẫu vậy, một lần nữa anh vẫn phải nói với em rằng, hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho những người thân yêu thay vì tốn công vô ích với những thứ phù phiếm trên mạng.
Sáng ngủ dậy, việc đầu tiên của em là vào facebook xem bạn bè có thông tin gì mới không để bình luận. Trong ngày đi đâu, làm gì, có sự kiện gì liên quan đều được em cập nhật trạng thái, buổi tối em lại say sưa ôm chiếc điện thoại như một thói quen không thể thiếu. Nhiều lần ngồi ăn, em vẫn chú tâm vào chiếc điện thoại.
Ngày trước, em hay chơi cùng con, lắng nghe con tâm sự, còn bây giờ, các cuộc trò chuyện cứ thưa dần. Vợ chồng mình khi xưa thường thủ thỉ bộc bạch, tâm sự chuyện cơ quan, hỏi ý kiến nhau về các vấn đề liên quan đến công việc, còn bây giờ thay vì chia sẻ cùng anh, em đăng lên facebook xin ý kiến mọi người. Dù cố an ủi mình nhưng đôi lúc anh vẫn bị chi phối bởi cảm giác đang đứng ngoài lề mọi nỗi niềm của em.
Em cứ mải mê kết nối với những con người, những nơi, những thứ xa xôi như cô bạn học cũ gần hai chục năm kể từ ngày rời xa mái trường trung học chưa có cơ hội gặp lại, anh hàng xóm đang định cư ở nước ngoài, cậu đồng nghiệp ở miền Nam mới quen trong chuyến công tác… mà quên mất rằng chính gia đình mình đang thiếu sự gắn kết.
Chiều qua, anh gọi điện về quê thấy giọng mẹ khàn đặc mới biết mẹ ốm mấy ngày nay nhưng bố không báo vì sợ con cái lo lắng. Tối, anh kể sự tình, cu Tôm sốt sắng hỏi: “Bà nội bị làm sao, có phải đưa đi viện không ạ?”, còn em vẫn dán mắt vào chiếc điện thoại rồi thản nhiên chép miệng: “Việc gì phải cuống. Tuổi già nay ốm mai đau là chuyện thường ngày ở huyện. Hễ bố mẹ hắt hơi sổ mũi đã nghỉ việc cơ quan về thăm thì có mà bị sa thải sớm”. Tim anh nhói đau trước sự thờ ơ đến vô cảm của em.
Khoảng cách 15 cây số có xa xôi gì cho cam. Tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc cuối giờ chiều, chúng ta hoàn toàn có thể về thăm mẹ. Tâm lý người già thích con cái đoàn tụ, quây quần nên mỗi lần gia đình đông đủ, ông bà vui ra mặt.
Con nghỉ hè, anh khuyên đưa con về thường xuyên để nó gắn bó với quê hương, với họ hàng và điều quan trọng nhất là học được cách cư xử cởi mở, thân thiện của bà con chòm xóm thì em “mặt nặng mày nhẹ” rằng: “Anh không lo phấn đấu thăng tiến, làm giàu, lúc nào cũng nặng nề chuyện quê quán”.
Giải pháp anh chọn là hài hòa giữa công việc và gia đình. Nếu không có việc đột xuất thì mỗi buổi chiều, khi đón con đi học về, anh muốn vợ chồng cùng dọn dẹp nhà cửa, nội trợ, tắm cho con, rồi cả nhà sum họp ấm cúng thưởng thức bữa tối. Ngày cuối tuần, nếu không về quê, vợ chồng mình đưa con đi công viên chơi hoặc đến thăm bạn bè, đồng nghiệp. Hạnh phúc với anh đơn giản là nâng niu, trân trọng những gì mình đang có trong tầm tay…
Nhưng hình như em cần nhiều hơn thế. Rất nhiều lần em chạnh lòng thở than nhà mình nghèo, vợ chồng chỉ là những công chức bình thường không quyền cao chức trọng như cậu bạn nọ, cũng chẳng giàu có như cô bạn kia. Em đâu biết rằng những lời ấy không chỉ làm anh tổn thương mà còn gieo rắc vào tâm hồn ngây thơ, trong sáng của đứa con trai vừa bước sang tuổi thứ 10 những nỗi mặc cảm, tự ti và cách nhìn phiến diện về cuộc sống. Đã có lần anh giật mình khi con hồn nhiên hỏi: “Nhà mình bất hạnh quá bố nhỉ?”. Thì ra trong cảm nhận của con, phải đi ô tô, ở nhà cao tầng mới là hạnh phúc!
Vợ à, anh vừa đọc được một bài báo phân tích về những tác động tiêu cực của thiết bị điện tử đến đời sống xã hội. Khi bị thu hút, chi phối quá nhiều bởi tivi, điện thoại, các thành viên trong gia đình thường ít trò chuyện, giao tiếp với nhau, dẫn đến mối quan hệ tình cảm thiếu chặt chẽ và hệ lụy là cách cư xử không đúng. Người chồng/vợ không có hứng thú trò chuyện với “đối tác” và các con thì có thể “lấp khoảng trống” bằng cách ngoại tình, khiến gia đình tan vỡ. Con cái không tâm sự với cha mẹ dễ bị lợi dụng, lôi kéo, sa ngã vào tệ nạn hoặc các hành vi ngỗ ngược. Nếu biết được điều này, liệu em có thay đổi?
3 cách “cai nghiện” mạng xã hội
- Ngắt kết nối, xóa trình duyệt trên điện thoại, sử dụng dịch vụ mạng (internet và di động) chặn facebook. - Hạn chế tương tác. - Dùng các phần mềm ứng dụng khác thay thế. |