pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vòng xe không rẽ trái của cha

Ảnh minh họa
Cũng giống cha tôi.
Ông chưa từng "rẽ trái" khỏi bất kỳ điều gì ông đã tin. Dù điều đó có thể khiến ông nghèo, vất vả, hoặc đau lòng. Ông bảo:
"Người ta nghèo vì nhiều thứ, nhưng hèn thì chỉ vì một thứ - là không dám sống tử tế đến cùng".
Tôi là con trai ông. Là đứa con mà cha chẳng mấy khi nói chuyện, lại càng ít khi khen ngợi. Chúng tôi khắc khẩu, đối nghịch nhau ở gần như mọi thứ - từ quan điểm sống, cách yêu, đến chuyện chọn đôi dép tổ ong hay đôi giày da rẻ tiền ngoài chợ huyện.
Cha tôi từng là thanh niên xung phong, đi khai hoang ở Lâm Đồng sau giải phóng. Mẹ cũng vậy. Họ gặp nhau giữa đồi đất đỏ, khi mồ hôi thấm áo, gió rừng rát mặt. Không thơ, không nhạc, không một lời tỏ tình. Chỉ có những lần cha tôi lặng lẽ mang măng rừng tới lán mẹ nấu canh, và mẹ tôi cười một cái đủ để ông chặt gấp đôi số củi hôm sau.
Họ cưới nhau khi được chuyển về quê. Và tôi ra đời giữa những ngày làng tôi còn chưa có điện, giữa cái đói kéo dài sau chiến tranh biên giới. Tôi yếu, chân co rút, bác sĩ bảo "may mà không liệt".
Từ bé, tôi đã lớn lên sau lưng cha, trên yên xe đạp tróc da. Đó là nơi tôi học cách im lặng. Cha đạp, mồ hôi đổ ướt cả lưng, còn tôi chỉ dám ngồi im, không dám hỏi, không dám dựa. Có lẽ tôi sợ, chỉ cần dựa nhẹ thôi, ông sẽ gục xuống mất.
Tôi là đứa con nhà nghèo duy nhất đậu đại học năm đó. Học Văn hóa. Những tưởng rồi sẽ thoát nghèo, sẽ ngẩng đầu, sẽ đỡ đần được cho cha mẹ. Nhưng không. Tôi làm báo một thời gian thì nghỉ vì "có người chơi đểu", làm tổ chức sự kiện thì bị bạn chiếm tiền, chuyển qua truyền thông rồi startup nửa vời… cái gì cũng từng thử, cái gì cũng từng bỏ. Tôi hay tin người. Và tôi thường thua.
Ngoài 40, tôi vẫn độc thân. Ở tạm một căn trọ nhỏ, nhận việc lặt vặt. Thi thoảng có bài viết được đăng, có tiền nhuận bút gửi về. Nhưng ít. Rất ít. Không đủ cho cha mẹ thôi lo.
Cha tôi hơn 60. Không còn làm thợ nữa. Mỗi ngày, ông đi chở đất - loại đất tơi ông tự tay cải tạo - cho mấy nhà trồng cây cảnh. Có hôm về, tay sưng, móng bật máu. Tôi gọi điện bảo:
"Cha nghỉ đi. Con sẽ xoay xở được"
Ông chỉ cười:
"Lo xong cho mày, tao mới nghỉ"
Một ngày đầu đông, mẹ gọi điện, giọng run run:
"Con à, cha mày gần đây hay quên… hôm qua đạp xe mà quên cả đường về".
Tôi sững người. Không tin. Người đàn ông chưa từng lạc bước, giờ lại quên đường về chính nhà mình?
Tôi tức tốc về quê. Đêm đó, tôi để ý thấy cha bước ra khỏi nhà, lặng lẽ đạp xe đi đâu đó. Tôi đi theo. Ông dừng trước nghĩa trang liệt sĩ. Ngồi lặng thinh trước một ngôi mộ không tên.
Tôi rón rén lại gần. Ông khẽ đặt lên bia mộ một cành bách nhỏ.
"Tao nợ mày cả một đời tử tế... Nhưng tao không rẽ trái. Mày hiểu mà, phải không?"
Tôi lặng người. Mãi sau, mẹ mới kể:
"Ngày xưa, cha con có một người bạn thân cùng đi khai hoang. Hai người như hình với bóng. Nhưng trong một lần tai nạn lở đất, người đó mất. Cha con sống sót, nhưng từ đó không bao giờ nhắc lại. Cái xe đạp cũ là của anh bạn ấy".
Một hôm, mẹ nói:
"Con thử mở cái hộp gỗ nhỏ dưới gầm giường cha con đi".
Tôi tìm thấy. Trong đó, là mấy lá thư ố vàng. Toàn là thư cha viết… cho tôi.
Không gửi. Không dám đưa.
Có lá là lời xin lỗi. Có lá là lời động viên. Có lá chỉ viết: "Hôm nay con đăng báo, cha đi mua cả 3 tờ. Không biết có ai đọc không, nhưng cha đọc 3 lần".
Tôi ngồi đọc, nước mắt rơi từng giọt.
Tuần sau đó, trời trở lạnh. Tôi về quê, rủ cha đi chợ phiên. Ông đạp xe, tôi đạp sau. Đến một khúc cua, bất giác tôi hét lên:
"Cha! Thử rẽ trái một lần đi!"
Ông cười, nhưng… không rẽ.
Chúng tôi ghé quán nước. Tôi hỏi:
"Sao cha không bao giờ rẽ trái?"
Ông nhìn tôi, ánh mắt trầm tĩnh:
"Vì tao sợ… nếu rẽ sai, thì cả đời không quay lại được".
Tối đó, tôi lấy giấy, viết bức thư đầu tiên cho cha. Không phải tin tức, không phải báo cáo, mà là… cảm ơn. Tôi để trên bàn ăn. Mẹ bảo:
"Sáng nay, ông ấy đọc xong, ngồi lặng cả tiếng. Mắt đỏ hoe".
Tôi vẫn chưa thành công, vẫn chưa lo được cho ông như ông từng lo cho tôi. Nhưng tôi đang tập, từng chút một, để sống tử tế như ông - và không rẽ trái giữa đường.
Bởi vì, tôi là con của người đàn ông ấy.
Người đàn ông chưa từng khóc trước mặt con trai.
Nhưng đã từng giữ trọn một lời hứa, suốt cả cuộc đời.
Dù chỉ là một lời hứa… với một người bạn nằm lại giữa rừng đất đỏ bazan năm ấy.