Vụ án chạy thận ở Hòa Bình: Nguyên Giám đốc Trương Quý Dương không dám nói đến từ 'oan'

15/01/2019 - 14:47
“Bị cáo không dám nói đến từ oan, chỉ mong cơ quan tố tụng cho phép bản thân được trình bày đầy đủ để làm căn cứ phán xét”, bị cáo Trương Quý Dương nói tại tòa.

Sáng ngày 15/1, phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây gậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người” xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 29/5/2017 bước vào ngày làm việc thứ 2.

Sáng nay, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình về việc ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn.

Tại tòa, bị cáo Trương Quý Dương cho biết, trong quá trình thực hiện hợp đồng 315 giữa BV và Công ty Thiên Sơn các kỹ thuật viên thường xuyên kiểm tra, đánh giá hệ thống. Khi thấy hệ thống RO số 2 hoạt động yếu, BV đã mời các kỹ thuật viên xem xét đánh giá và phòng vật tư đề nghị sửa chữa, khắc phục.

Bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình

Do BV không đủ năng lực sửa chữa nên các phòng ban chuyên môn đề xuất đơn vị ngoài sửa chữa. Chiều 25/5, bị cáo Dương thay mặt BV ký với Công ty Thiên Sơn. Khi hợp đồng có hiệu lực, các phòng chuyên môn như phòng Vật tư trang thiết bị y tế liên hệ để thực hiện. Nhưng khi hệ thống RO bị hỏng các phòng ban chuyên môn bố trí thời gian phù hợp nhất để toàn quyền sửa chữa.

“Việc sửa máy lọc RO được sửa khoảng 4-5 lần. Mặc dù không phải chuyên môn, bị cáo cũng biết việc xét nghiệm chất lượng nước trong khoảng 1 tuần”, bị cáo Dương cho biết.

Việc hoạt động của nguồn nước lọc sau khi sửa chữa, bị cáo Dương khai đều phụ thuộc vào phòng ban chuyên môn. Nếu có những tình huống bất khả kháng, các phòng ban chuyên môn cần phải có kịch bản xử lý. “Trong tất cả các hoạt động của BV lâu dài đều có người phụ trách, còn mọi sự cố tại BV bị cáo hoàn toàn có trách nhiệm”, bị cáo Dương nói.

Bị cáo Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Đa khoa Hòa Bình) khai: Về nhân sự, khi sự cố xảy ra, về nhân lực chuyên môn khoa đã đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu chạy thận. Bản thân bị cáo không có chuyên môn về lọc máu, mà chỉ chuyên về hệ thống nội khoa. Với cương vị là trưởng khoa bị cáo giao cho các bác sĩ tại khoa và bác sĩ Lương về mặt chuyên môn. Còn việc điều động nhân sự, bất thường trong khoa phải báo cáo trưởng phó khoa.

Tuy nhiên, tại tòa bị cáo Dương khẳng định bị cáo Khiếu đã được đào tạo nghiệp vụ lọc máu, chạy thận. Việc học được làm trọn gói với BV Bạch Mai, bản thân bị cáo đã ký trong thanh lý hợp đồng ở vai trò BV nhận chuyển giao, còn bị cáo Khiếu ký ở vai trò phòng được chuyển giao, nên bị cáo Dương mới tin tưởng về chuyên môn của bị cáo Khiếu.

HĐXX hỏi về việc Viện Kiểm sát truy tố bị cáo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Dương cho rằng, Hoàng Công Lương bị như vậy bị cáo rất đau lòng. Nỗi đau của bác sĩ Lương cũng là nỗi đau của bị cáo. Với bản thân mình, ông Dương nói không dám nói đến từ oan, chỉ mong cơ quan tố tụng cho phép bản thân được trình bày đầy đủ để làm căn cứ phán xét.

Tại tòa, bị cáo Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư khai, căn cứ vào trình độ chuyên môn và thực tế công việc để phân công cho các nhân viên. Đối với khoa Điều trị tích cực, bị cáo phân công Trần Văn Sơn quản lý, sửa chữa trang thiết bị, việc phân công theo hằng năm hoặc có sự thay đổi khi các nhân sự nghỉ hưu, ốm đau.

Đối với việc sửa chữa hệ thống RO số 2 tùy thuộc vào đề xuất của đơn nguyên thận nhân tạo và việc kiểm tra và kết quả của nhân viên kỹ thuật sau khi có tham vấn của đơn vị sửa chữa.

Sau đó nhận thấy việc sửa chữa vượt quá khả năng sửa chữa của nhân viên phòng Thiết bị y tế, nên việc giao dịch và tìm kiếm đơn vị sửa chữa bị cáo Thắng khai giao uỷ quyền cho bị cáo Sơn phụ trách. Tại thời điểm sửa chữa RO số 2, bị cáo Thắng chưa nhận được hợp đồng 315.

Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm