Sáng ngày 28/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người” tại Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 10.
Tại phiên tòa, luật sư Hoàng Ngọc Biên, người bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng, vụ việc ở BV Đa khoa Hòa Bình là sự cố bảo dưỡng thiết bị RO chứ không phải sự cố y khoa và yêu cầu cơ quan tố tụng xem lại khái niệm về sự cố y khoa.
Luật sư Biên cho rằng, trong vụ án này, điều tra viên và kiểm sát viên đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng trong quá trình thu thập chứng cứ.
“Những tập hồ sơ của cơ quan CSĐT không hợp pháp. Chúng tôi thống kê gần 300 bút lục vi phạm luật tố tụng nghiêm trọng. Đề nghị quý tòa không sử dụng hồ sơ này để buộc tội bị cáo”, luật sư Biên nói.
Tại tòa, luật sư Biên đã gửi tới đại diện Viện kiểm sát 12 câu hỏi. Luật sư Biên đề nghị Viện Kiểm sát tranh luận làm rõ về trách nhiệm của bị cáo Hoàng Công Lương.
12 câu hỏi của luật sư Biên gồm:
- Nếu ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn và tuân thủ đầy đủ kỹ thuật về sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO thì hậu quả có xảy ra không?
- Công ty Thiên Sơn bán thầu cho Trâm Anh mà BV không biết. Khi xảy ra hậu quả, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm gì?
- Bị cáo Hoàng Công Lương có mối quan hệ cụ thể gì đến hệ thống tồn dư hóa chất ở hệ thống RO số 2?
- Bị cáo Lương ký vào bản kiểm tra sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị có phải hành vi gây tổn hại cho xã hội không?
- Có văn bản quy phạm pháp luật nào buộc bác sĩ Lương chịu trách nhiệm về trang thiết bị, báo cáo trưởng khoa?
- Quy chế của BV tại Quyết định 1895, quyền hạn trưởng khoa trong việc bố trí nhân lực có phải quyền hạn bổ nhiệm chức danh quản lý không?
- Việc bổ nhiệm chức năng quản lý là quyền của Trưởng khoa hay Giám đốc BV BV?
- Ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BV phân công bằng miệng phụ trách chuyên môn có trái với Điều 37 Luật viên chức không?
- Nếu không có Quyết định bổ nhiệm của Giám đốc BV thì bác sĩ Lương có là chủ thể đặc biệt của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không”?
- Các bản tự khai không tuân thủ về Luật Tố tụng hình sự có đủ để làm chứng cứ để làm hồ sơ vụ án không?
- Hành vi mớm cung có dấu hiệu viết vào lời khai có xâm phạm vào quyền tư pháp không?
- Tại sao không khởi tố trách nhiệm ông Dương, ông Tuấn, ông Thắng trong vụ án này?
Sau khi luật sư Biên đặt câu hỏi, Hội đồng xét xử hội ý 15 phút sau đó kết thúc phiên tòa. Lý do Hội đồng xét xử đưa ra là bị cáo Quốc sức khỏe không đảm bảo.
Buổi chiều, phiên tòa sẽ tiếp tục.
Như đã đưa tin, ngày 15/5, Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án làm 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Theo đó, 3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi, khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi) Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh về tội “Vô ý làm chết người”.