Chiều ngày 14/1, tiếp tục diễn ra phiên xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình, HĐXX hỏi bị cáo Trương Quý Dương về việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo.
Tại tòa, bị cáo Dương khai, việc thành lập Đơn nguyên Thận thuộc thẩm quyền của Giám đốc BV theo phân cấp quản lý. Chỉ khi nào thành lập các khoa phòng của BV, thì mới phải xin ý kiến của Sở Y tế.
Theo đó, để chuẩn bị cho kỹ thuật lọc máu, cần có 3 nhóm công việc. Trước khi thành lập BV đã cử bác sĩ Tiến đi học về kỹ thuật lọc máu sau đó về tham mưu cho lãnh đạo khoa. Sau đó, khoa cho rằng triển khai kỹ thuật này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Vì vậy, BV đã ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật với BV Bạch Mai theo đề án 1816 về việc chuyển giao kỹ thuật lọc máu. Thứ 2 về cơ sở vật chất gồm nhà cửa, máy lọc nước RO, BV đã tìm nhiều nguồn cả từ dự án và nguồn xã hội hóa. Thứ 3, là chuẩn bị về mặt pháp lý, BV làm tờ trình lên Sở Y tế đề nghị phê duyệt cho phép triển khai kỹ thuật lọc máu và được chấp nhận.
Đối với cơ cấu tổ chức của Đơn nguyên Thận nhân tạo, ông Dương cho biết, đây là một kỹ thuật thuộc khoa. Bị cáo chỉ nắm một số điều kiện như cơ sở vật chất, nhân lực. Còn việc điều phối con người do khoa. Nếu khoa cần bổ sung thêm máy móc gì thì đề xuất lên Ban giám đốc để bổ sung.
Về nhân lực đảm đương kỹ thuật đã đảm bảo được như có bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo về kỹ thuật lọc máu, kỹ thuật viên, chuyên gia hỗ trợ ngoại viện. Đối với khoa Hồi sức tích cực, trừ một số bác sĩ đã được đào tạo theo chương trình lọc máu, còn lại được đào tạo chương trình kỹ thuật viên nên có thể đáp ứng được nhiệm vụ kỹ thuật viên. Tổng cộng, BV đã cử 26 cán bộ đi học kỹ thuật lọc máu và được cấp chứng chỉ. Trong đó, ngoài bác sĩ Tiến còn có 3 bác sĩ là bác sĩ Khiếu, bác sĩ Tình, bác sĩ Lương đã được đào tạo tại BV Bạch Mai và cấp chứng chỉ.
Đánh giá về điều kiện thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo, ông Dương cho rằng, đến thời điểm thành lập, các điều kiện cơ bản là đủ. “Cơ bản vì con người không cố định, như năm nay có 10 người, năm sau 12 người. Còn cái chưa đáp ứng được là cơ sở vật chất. BV định thành lập khoa Thận tiết niệu và lọc máu, nhưng vì con người chưa đủ nên chỉ thành lập là Đơn nguyên Thận nhân tạo”, ông Dương khai.
Việc ký kết liên doanh liên kết về lọc máu, sau khi được sự đồng ý của Ban lãnh đạo BV thì BV ký với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Trước khi quyết định, bị cáo tìm hiểu rất kỹ về năng lực. Giữa BV và Công ty Thiên Sơn thì có 4 lần ký, mỗi lẫn chỉ 1-2 máy và thực hiện theo quy trình. Nói về hệ thống RO, ông Dương cho biết 100% là nguồn vốn đầu tư của BV thông qua các dự án. BV chỉ bổ sung thêm kênh xã hội hóa bằng hình thức thuê máy của đối tác nước ngoài.
Về phân chia quyền lợi giữa hai bên dựa trên 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (kéo dài khoảng 1,5 năm) là 400.000 đồng/ca chạy thận. Giá này bao gồm vật tư, thiết bị, bình lọc và công ty được hưởng 360.000 đồng (90%) còn bệnh nhân không phải đóng thêm đồng nào. Đến giai đoạn 2, thì có biến động về giá nhập khẩu, lãi suất ngân hàng... nên BV đã khoán gọn là 7,7 USD/ca chạy thận. Sau một thời gian hợp tác, đến ngày xảy ra sự cố, BV đã sở hữu 13 máy, còn công ty chỉ sở hữu 5 máy.