Ngày 17/1, HĐXX tiếp tục ngày làm việc thứ 4 trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm nghiêm trọng” trong sự cố tai biến chạy thận xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 29/5/2017 dẫn đến 9 người tử vong.
Trách nhiệm đảm bảo nguồn nước thuộc về Phòng Vật tư
Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BV khai rằng, trách nghiệm kiểm tra nguồn nước thuộc về Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Tuy nhiên, do khoa Hồi sức tích cực không có kỹ thuật viên nên mọi thiết bị hỏng hóc đều báo cho phòng Vật tư. Đơn nguyên Thận nhân tạo (thuộc Khoa Hồi sức tích cực) không có kỹ sư nên phòng Vật tư phải chịu trách nhiệm. Bị cáo Khiếu cũng khai, lần sửa chữa ngày 28/5/2017 bị cáo giao cho điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng. Do điều dưỡng Hằng nhận bàn giao thiết bị tức là việc đảm bảo chất lượng nước.
Về vấn đề này, bị cáo Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng Vật tư khai đã kiểm tra vật tư thay thế từ bị cáo Bùi Mạnh Quốc. Việc kiểm tra vật tư đã được thực hiện, còn về kiểm tra chất lượng nước thì bị cáo không được đào tạo và cũng không được giao. Trong khi đó, khi Quốc sửa chữa hệ thống RO số 2 thì bị cáo vắng mặt (do đi học vào ngày nghỉ) và không báo cáo cho bị cáo Thắng. Bị cáo Sơn cũng khai bị cáo không biết gì về nội dung trong hợp đồng 315.
Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Thắng cho rằng, đã giao cho bị cáo Trần Văn Sơn đến xem việc sửa chữa. Việc kiểm tra này căn cứ vào kế hoạch sửa chữa hệ thống RO số 2 đã được phê duyệt bản chi tiết, nội dung sửa chữa. Bị cáo Thắng cũng khẳng định không biết về hợp đồng số 315, chỉ khi cơ quan công an điều tra cho xem thì mới được biết.
Gia đình nạn nhân đề nghị xử lý lãnh đạo BV theo quy định
Trong phiên toà ngày 17/1, HĐXX cũng tập trung hỏi gia đình các nạn nhân tử vong và bị thương trong sự cố chạy thận. Đại diện Viện Kiểm sát hỏi nạn nhân Lê Văn Tiến về sự cố. Ông Tiến cho biết sau sự cố đã xin và được điều dưỡng cho về nhà. Đến 12h cùng ngày, ông được gọi điện thoại yêu cầu quay lại BV. Sau đó, ông Tiến được đưa xuống BV Bạch Mai lọc máu liên tục trong 10 ngày. Khi HĐXX xét hỏi, ông Tiến nói chỉ yêu cầu bồi thường theo pháp luật.
Đại diện cho gia đình nạn nhân Bùi Văn Phơi yêu cầu tổng số tiền bồi thường hơn 406 triệu đồng. Bao gồm, bồi thường tổn thất về tinh thần 100 tháng lương cơ bản, các chi phí đám tang 128 triệu đồng, nơi mai táng hơn 148 triệu đồng. Còn đại diện gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Minh yêu cầu BV bồi thường hơn 401 triệu đồng bao gồm chi phí tang lễ, chi phí mai táng, tổn thất tinh thần.
Luật sư Hoàng Trung, Đại diện cho các gia đình nạn nhân cho biết, khi phiên toà chuẩn bị được đưa vào xét xử gia đình bị cáo Quốc tiếp tục bồi thường cho một số gia đình nạn nhân. Số tiền này sẽ trừ vào cho gia đình nạn nhân.
Đại diện cho gia đình nạn nhân Chính đề đạt yêu cầu xem xét bồi thường mai táng phí, 130 triệu đồng tương đương 100 tháng lương về tổn thất tinh thần.
Khi được hỏi, bà Nga, đại diện gia đình nạn nhân Chính đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lương vô tội, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sơn và bị cáo Quốc. Ông Toại, người nhà nạn nhân Phượng ngoài yêu bồi thường còn đề nghị giảm nhẹ cho các bị cáo Sơn, Quốc và Đỗ Anh Tuấn còn lại xem xét theo quy định pháp luật.
Ông Tính, bố đẻ nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng đề nghị phí mai táng và tổn thất tinh thần và tiền cấp dưỡng cho con nạn nhân Hằng sinh năm 2003. Ông Tính cho rằng, bác sĩ Lương vô tội còn đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo Tuấn, bị cáo Sơn, bị cáo Quốc. 3 bị cáo còn lại đề nghị xử theo quy định pháp luật
Ngày mai, HĐXX tiếp tục làm việc.