pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vụ bé trai 9 tuổi bị cha dượng bạo hành: Hành vi đặc biệt nghiêm trọng, có thể dẫn đến chết người
Đối tượng Lê Đức Thắng có hành vi bạo hành đối với con riêng của vợ
Cháu bé thường xuyên bị bạo hành
Liên quan đến vụ việc cháu Lê Tấn A. (SN 2015, trú tại phường Tân Thiện, Thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) bị đối tượng Lê Đức Thắng (SN 1982, trú tại cùng địa chỉ) bạo hành dã man, chiều ngày 13/3/2024, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đồng Xoài cho biết, đơn vị này đang tạm giữ hình sự đối tượng Thắng để tiếp tục điều tra.
Theo cơ quan công an, cháu Lê Tấn A. hiện đang sinh sống cùng mẹ là chị Đặng Thị H. và Lê Đức Thắng (bố dượng cháu A.). Sự việc cháu A. bị bạo hành xảy ra vào ngày 8/3/2024.
Thời điểm này, Thắng đã liên tục dùng tay, chân đánh vào người và đầu cháu bé gây thương tích. Khi về thấy con bị thương, chị H. đã đưa con trai đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Đến sáng ngày 12/3/2024, người nhà cháu bé đã đăng tải đoạn clip lên mạng xã hội.
Tiếp nhận thông tin, trưa ngày 12/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đồng Xoài đã xác minh thông tin và mời Lê Đức Thắng về trụ sở để làm việc. Tại đây, Thắng khai nhận đã có hành vi dùng tay chân, chày giã đánh cháu Lê Tấn A.
Theo lời khai của Thắng, do cháu bé thường xuyên lén lấy điện thoại nghịch ngợm nên đối tượng đã không giữ được bình tĩnh và ra tay đánh đập cháu bé.
Đối tượng cũng khai nhận trước đó đã thường xuyên có một số hành vi đánh đập A. vì cháu không nghe lời.
Những tình huống pháp lý có thể xảy ra
Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đánh giá, đây là hành vi bạo hành trẻ em ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, rất tàn nhẫn, có thể gây ra thương tích nghiêm trọng cho cháu bé, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu đạp trúng vào những vị trí hiểm yếu ở phần mặt, đầu của cháu bé.
Theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ danh tính của đối tượng để tiến hành các biện pháp pháp lý để xử lý đối với đối tượng này.
Hành vi đá, đạp liên tục, nhiều lần vào mặt, đầu, cổ (những vùng hiểm yếu trên cơ thể) của cháu bé mới 9 tuổi như vậy thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định hành vi "có thể dẫn đến chết người" thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng này về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự, với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi (cho dù nạn nhân không tử vong).
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy chưa có căn cứ xác định hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng hậu quả cháu bé đã có thương tích thì dù thương tích dưới 11% vẫn xử lý đối tượng này về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự bởi hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi.
Nếu kết quả xác minh chưa đủ căn cứ để khởi tố đối tượng này về tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người thì vẫn có thể xử lý về tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự, với hình phạt có thể lên tới 3 năm tù.
Ông Cường cho rằng, trước đó đã không ít trẻ em bị cha dượng, mẹ kế bạo hành đến chết. Sự việc cho thấy đang có sự xuống cấp nghiêm trọng đạo đức xã hội trong một bộ phận giới trẻ. Nhiều người tham lam, cục súc, ích kỷ, thiếu đạo đức và ý thức coi thường pháp luật. Chỉ vì cái tôi cá nhân, vì cảm xúc bản thân mà sẵn sàng ra tay tàn nhẫn đối với những đứa trẻ khiến nhiều trẻ thiệt mạng, thương tích, tàn tật rất thương tâm.
Bởi vậy, ngoài việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hạ trẻ em thì cần phải có những giải pháp tích cực, đặc biệt là cần phải có thống kê phân loại những trẻ em yếu thế (những trẻ em sống trong gia đình không có hạnh phúc, sống cùng cha dượng mẹ kế bất hoà, cục súc, sống cùng những đối tượng nghiện ngập cờ bạc, có lối sống sa đọa...) để kịp thời hỗ trợ, can thiệp, tránh cho các em nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành.