Vụ cháu bé 8 tuổi bị bạo hành tới tử vong: Luật sư nói gì về việc xử kín?

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM
04/07/2022 - 18:58
Vụ cháu bé 8 tuổi bị bạo hành tới tử vong: Luật sư nói gì về việc xử kín?

Người dân tại chung cư quận Bình Thạnh (TPHCM) thắp nến tưởng nhớ bé N.T.V.A. Ảnh: T.L

Như báo chí thông tin, dự kiến ngày 21/7/2022 Toà án Nhân dânTPHCM sẽ mở phiên toà xét xử vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong và có thông tin vụ án được xét xử kín. Đây là vụ án có bị hại là trẻ em, người dưới 18 tuổi nên Tòa án xử kín là đúng quy định pháp luật.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 ngày 5/4/2016. Theo đó, trẻ em có quyền được bảo vệ không bị bạo lực, bạo hành; quyền được bảo vệ hình ảnh cá nhân là một trong những quyền quan trọng của trẻ em được ghi nhận tại Điều 25 Luật Trẻ em và các văn bản khác. Để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người dưới 18 tuổi là người bị hại, những người tham gia tố tụng cần tuân thủ, áp dụng những nguyên tắc cơ bản về xét xử và những thủ tục đặc biệt trong tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và áp dụng, vận dụng những điểm có lợi nhất cho trẻ em, người dưới 18 tuổi trong các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, những thông tư liên ngành, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán.

Hiện nay, về trình tự thủ tục xét xử các vụ án có bị hại là trẻ em được quy định tương đối đầy đủ, cụ thể trong pháp luật về tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan. Quy trình tố tụng thân thiện đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án bạo hành hay xâm hại tình dục được áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định trong Phần thứ bảy, Chương XXVIII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định 9 nguyên tắc chung khi tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, trong đó đối tượng trẻ em là người bị hại trong vụ án bạo hành, bạo lực, xâm hại tình dục là đối tượng rất cần được những người tham gia tố tụng thực hiện đúng, đầy đủ và được bảo đảm các nguyên tắc sau như:

1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi;

2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi;

3. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi;

4. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.

Theo Thông tư 02/2018/TT-TANDTC, quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của tòa gia đình và người chưa thành niên. Cụ thể được quy định tại điểm d, khoản 1, điều 7: Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Vụ án cháu bé 8 tuổi được xét xử kín là tôn trọng và bảo vệ quyền trẻ em. Trong vụ án này, có những hình ảnh, tình tiết nội dung liên quan đến hành vi bạo hành hết sức man rợ. Nếu xử công khai thì những nội dung và hình ảnh đó nếu bị truyền tải công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ một lần nữa làm tổn thương đến người thân của cháu, tổn thương đến linh hồn của cháu, chưa kể có những tác động tiêu cực đến xã hội. Điều người dân mong đợi kẻ gây ra cái chết cho cháu nhận một hình phạt thật nghiêm khắc của pháp luật. Hình phạt đó cũng là đủ mang tính giáo dục và răn đe cho xã hội, nên việc xử kín là cần thiết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm