Vụ cháy làm 8 người chết ở Hoài Đức, trách nhiệm thuộc về ai?
03/08/2017 - 15:43
Việc 8 người tử vong trong vụ cháy tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) mới đây đã để lại sự thương xót cho mọi người. Nhưng hơn lúc nào hết, cần phải làm rõ và có chế tài xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan...
Vi phạm vô tư?
Khi một xưởng sản xuất có diện tích gần 200m2 hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật, trong khu dân cư thì công an xã và trưởng thôn phải làm việc, gặp gỡ với người đứng đầu cơ sở sản xuất để thu nhập thông tin, phổ biến các quy định pháp luật và thông báo đến cơ quan chức năng. Đã có những bài học nhãn tiền về cháy tại Hà Nội trong những ngôi nhà không có lối thoát hiểm.
Vì thế, cơ quan chức năng yêu cầu chủ cơ sở sản xuất phải có lối thoát hiểm hoặc yêu cầu khi hàn xì thì phải ngừng sản xuất, chỉ có thợ hàn xì trực tiếp làm, còn công nhân của xưởng phải ra ngoài khu vực hàn xì... là hết sức cần thiết. Nếu cơ quan chức năng sát sao, quan tâm, bám sát cơ sở thì có lẽ hậu quả đã không xảy ra hoặc không lớn đến như vậy.
Tuy nhiên, đó chỉ là xử lý mang tính tình huống, quan trọng nhất là cần phải thực hiện việc nghiêm cấm việc sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong khu dân cư.
Hiện nay, ở Hà Nội và một số tỉnh/thành khác vẫn còn hiện tượng sản xuất, kinh doanh các vật liệu dễ cháy nổ ngay trong khu dân cư, điều này gây nguy hiểm không chỉ cho cơ sở đó mà còn là hiểm họa cho các hộ dân liền kề.
Năm 2013, vụ cháy quán bar ở Zone 9 (Hà Nội) làm 6 người chết. Năm 2015, cháy đại lý gas tại thành phố Thanh Hóa khiến cả khu phố hoảng loạn.
Năm 2016, vụ nổ do “cưa bom” tại Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông (Hà Nội) làm 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường và đi ngang qua bị hư hỏng.
Cũng năm này, vụ cháy tại quán karaoke ở Cầu Giấy làm 13 người bị thiệt mạng... Đấy đều là những vụ cháy nổ dậy sóng dư luận, hậu quả hết sức đau lòng.
Cần chế tài với người quản lý
Có thể nói, trong nhiều vụ hỏa hoạn để hại hậu quả thảm khốc, nếu làm tốt công tác quản lý an toàn cháy nổ thì thiệt hại sẽ được hạn chế nhiều, thậm chí có thể không xảy ra.
Ở đây không phải chúng ta không có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể mà là nhà quản lý đã buông lỏng hoặc bỏ qua các yêu cầu bắt buộc về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Điều 19 Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định: “Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy”.
Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy nêu rõ 3 trường hợp tạm đình chỉ hoạt động. Nếu hết thời hạn tạm đình chỉ mà vẫn không khắc phục hoặc không thể khắc phục được và có nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng thì bị đình chỉ hoạt động.
Việc đình chỉ hoạt động có thể thực hiện đối với từng bộ phận hoặc toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và hoạt động của cá nhân.
Quy định pháp luật đã rất đầy đủ, cụ thể và rõ ràng. Vấn đề là thực thi. Các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm hãy bắt tay vào việc, hãy đi cơ sở nhiều hơn, hãy ra quyết định tạm đình chỉ các cơ sở vi phạm…
Cần lắm việc thực thi pháp luật một cách triệt để để hạn chế thấp nhất những vụ việc, những hậu quả đau lòng như tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) cuối tháng 7 vừa qua.
Có lẽ cần thiết phải có quy định nếu chủ tịch UBND các cấp không tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình thì cơ quan chức năng cần phải đình chỉ chức vụ của người đó, thậm chí bị buộc thôi việc. Đừng để những sự việc đau lòng lại tiếp tục xảy ra do sự buông lỏng quản lý của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Đừng vì sự cả nể người này, người kia mà dẫn đến những cái chết thương tâm của người khác.