Vụ cô giáo lùi xe tông chết học trò: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

23/04/2018 - 15:36
Vụ cô giáo Nguyễn Thị Hương ở trường Tiểu học Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) lùi xe ô tô trong sân trường đã gây tai nạn làm 1 học sinh tử vong, 1 bị thương, khiến dư luận hết sức quan tâm. Sự việc là hồi chuông báo động cho thấy công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong học đường đang còn lỏng lẻo.
Như PNVN đã phản ánh, sáng 19/4, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trong khuôn viên trường Tiểu học Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: Cô giáo Nguyễn Thị Hương (39 tuổi) khi lùi xe ô tô trong sân trường, do thiếu quan sát đã tông phải 2 học sinh ở phía sau. Danh tính 2 nạn nhân được xác định là Sồng A Ninh và em Trần Tuấn Anh (đều là học sinh khối lớp 1, trường tiểu học Vân Hồ). Vụ tai nạn đã khiến em Sồng A Ninh tử vong trên đường đi cấp cứu và em Trần Tuấn Anh bị thương nặng, gãy tay, chân hiện đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. 
Hiện trường vụ việc cô Nguyễn Thị Hương lùi xe tông chết học trò
 
Được biết, chiếc xe ô tô này là của một giáo viên khác trong trường. Khi xảy ra tai nạn, cô Hương là người cầm lái, còn chủ xe thì ngồi ở bên cạnh. Cô Hương chưa có giấy phép lái xe. Mặc dù khi làm việc với cơ quan công an sau khi xảy ra tai nạn, thầy giáo là chủ phương tiện đứng ra nhận mình gây tai nạn, nhưng sau đó cơ quan điều tra xác định cô Hương mới chính là người cầm lái và gây tai nạn. Cô Hương cũng đã thừa nhận hành vi của mình.
Theo phân tích của luật sư Đặng Quốc Anh ở TPHCM, hành vi lùi xe ô tô trong sân trường gây tai nạn cho học sinh mặc dù không thuộc nhóm hành vi liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ, vì vụ tai nạn không xảy ra trên đường mà trong khuôn viên trường học, song cô giáo Hương vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng trước pháp luật về hậu quả gây ra - cụ thể là hành vi này khiến một học sinh lớp 1 tử vong, một em khác bị thương.
“Hành vi này để lại hậu quả nghiêm trọng nên người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, với việc làm cho 1 học sinh bị thương, cô giáo Hương còn có thể chịu trách nhiệm về Tội vô ý gây thương tích”, ông Quốc Anh nhận định.
Chị Mùi Thị Tánh - mẹ nạn nhân Sồng A Ninh - đau đớn vì mất con. Ảnh: Xuân Tuấn
 
Theo phân tích của một số luật sư, mặc dù có đủ căn cứ, cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự với cô giáo Hương, với khung hình phạt có thể là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm, nhưng cô giáo Hương vẫn có cơ hội thoát khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với điều kiện gia đình bị hại tự nguyện hòa giải và có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Nghiêm cấm phương tiện cơ giới đi vào sân trường trong giờ học
Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 năm qua xảy ra vụ tai nạn giao thông trong khuôn viên trường học. Năm ngoái, tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, cũng đã xảy ra vụ một chiếc taxi chở cô Tạ Thị Bích Ngọc, lúc bấy giờ là hiệu trưởng trường này, chạy trong sân trường và đụng phải học sinh Trần Chí Kiên (lớp 2) khiến em này bị gãy xương đùi.
“Qua vụ việc này, và trước đó là vụ ở trường Nam Trung Yên, cho thấy một vấn đề cần đặc biệt quan tâm, đó là công tác quản lý đảm bảo an toàn cho học sinh trong học đường, khi cho phép các phương tiện ô tô, xe máy đi vào trong khuôn viên sân trường. Hiện giờ, không ít giáo viên đã có ô tô riêng sử dụng để đi làm, ngoài ra, hầu hết giáo viên đi xe máy, một số học sinh THPT cũng đi xe máy đến trường. Do đó, cần phải nghiên cứu để có giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh”, ông Quốc Anh đề xuất.
Được biết, sau khi vụ việc thương tâm nói trên xảy ra, Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia đã có văn bản gửi các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục - đào tạo, ban ATGT các địa phương, đánh giá: Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã diễn ra khá phổ biến tình trạng phương tiện xe cơ giới lưu hành hoặc dừng đỗ trái phép trong giờ học tại các khu vực sân trường, trên vỉa hè, lòng đường xung quanh cổng các trường học... gây mất trật tự an toàn giao thông và uy hiếp an toàn tính mạng, tài sản của học sinh, giáo viên, người dân.
“Để chấn chỉnh kịp thời tình trạng vi phạm, gây mất trật tự, an toàn giao thông và uy hiếp an toàn tính mạng, tài sản của học sinh, giáo viên, người dân nêu trên, Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiêm cấm phương tiện xe cơ giới lưu hành hoặc dừng đỗ trái phép trong giờ học tại các khu vực sân trường, trên vỉa hè, lòng đường xung quanh cổng các trường học; Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn chung về đảm bảo ATGT nội bộ tại khu vực trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương rà soát, bố trí đầy đủ biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, biển cảnh báo và tổ chức giao thông an toàn trên các tuyến đường đi qua khu vực có trường học, đặc biệt là trong phạm vi 500m tính từ cổng các trường học”, văn bản của Ban ATGT quốc gia nêu rõ. 
 

“Mặc dù hành vi của cô giáo Nguyễn Thị Hương đã cấu thành tội vô ý làm chết người nhưng việc xem xét xử lý hình sự với đối tượng đang làm giáo viên, nhân thân tốt, là nên cân nhắc”, luật sư Đặng Quốc Anh bình luận.

Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc45 phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 - Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm