pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vụ con trai 14 tuổi đầu độc bố và bà tử vong: Xử lý ra sao để đủ sức răn đe tội phạm vị thành niên?
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, thông tin về vụ án. Ảnh: CATG
Chiều 25/10/2023, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Minh Q., 14 tuổi, ngụ tại huyện Cái Bè để điều tra về hành vi "Giết người".
Theo cơ quan điều tra, bước đầu, Phạm Minh Q. đã thừa nhận hành vi phạm tội. Theo điều tra ban đầu, vào khoảng 6h ngày 14/10/2023, bà Phạm Thị Phấn, 83 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang phát hiện con ruột là Phạm Văn Yên, 45 tuổi, đã nằm chết trên giường. Vì cho rằng ông Phạm Văn Yên chết do bệnh lý nên gia đình không trình báo chính quyền, tự tổ chức ma chay.
Đến 22h cùng ngày, bà Phạm Thị Phấn được con gái pha sữa cho uống nhưng chỉ khoảng 5 phút sau khi uống, bà Phấn có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn ói và chết trên đường đi cấp cứu. Vì bà Phấn lớn tuổi nên gia đình cũng nghĩ cụ chết do bệnh lý, đã tổ chức đám tang và cũng không báo chính quyền.
Khoảng 4h ngày 15/10/2023, ông Phạm Minh Tân, 55 tuổi, con trai bà Phấn đến phụ đám tang. đã pha 150ml sữa uống. Mới uống được 1/3 ly sữa, ông Tân bị nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Ông Tân được chẩn đoán ngộ độc rất nặng, tổn thương gan, thận, phổi, cơ tim, phải thở máy và lọc máu liên tục. Sau đó, ông Tân được cứu sống và đã xuất viện về nhà.
Thấy sự việc bất thường, gia đình đã báo công an. Mọi nghi vấn tập trung vào Phạm Minh Q., 14 tuổi, con trai ruột của ông Phạm Văn Yên. Bước đầu, Q. thừa nhận hành vi, cho rằng vì can ngăn ba không nên uống rượu mà không được, lại bị la, nên đã sinh lòng thù hận, xin bả chó về pha vào sữa để người thân uống. Trước đó, Q. lên mạng để tìm các cách "giết cha", "giết gia đình".
Vụ án xảy ra rúng động dư luận vì tính chất nghiêm trọng và lứa tuổi còn nhỏ của bị can. Trả lời PV Báo Phụ nữ Việt Nam, luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, theo Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại Khoản 2 Điều 12.
Theo khoản 2 Điều 101 Bộ luật hình sự quy định về tù có thời hạn thì đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Theo Điều 98 Bộ luật hình sự thì các hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Theo Điều 91 Bộ luật Hình sự] quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi thì việc xử lý người dưới 18 tuổi phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
"Như vậy, quy định pháp luật quy định về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội chỉ nhằm mục đích là để giáo dục, giúp họ sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội chứ không đề cập trực tiếp đến mục đích trừng trị. Đối với người chưa thành niên thì những hành vi phạm tội nêu trong Bộ luật Hình sự thì cơ quan có thẩm quyền thường xem xét, cân nhắc mục tiêu giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên", luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết.
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, thời gian qua người phạm tội là những người chưa thành niên có xu hướng gia tăng, nhiều vụ có tính chất phức tạp, mức độ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại. Tuy nhiên, pháp luật có một khoảng trống pháp lý đối với nhóm đối tượng này nên mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm của pháp luật hình sự chưa được đảm bảo.
Ở khía cạnh khác, theo khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự thì người dưới 18 tuổi phạm tội và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp tư pháp như giáo dục tại trường giáo dưỡng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các biện pháp tư pháp khác được quy định tại Mục 2 và Mục 3 của Bộ luật Hình sự.
Biện pháp tư pháp mang ý nghĩa lớn trong việc xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, thể hiện tính giáo dục cao, đồng thời thể hiện được đường lối xử lý mang tính nhân đạo, có sự cân nhắc tới đặc điểm tâm lý của người phạm tội. Việc áp dụng biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên sẽ không để lại án tích đối với họ.
"Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp tư pháp chưa thực sự hiệu quả, đồng thời sự phối hợp giữa cơ quan, tổ chức, đoàn thể và gia đình trong việc giám sát, giáo dục người chấp hành biện pháp tư pháp nhìn chung còn thiếu đồng bộ, thiếu tính chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Cần phải tìm ra những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh loại tội phạm này, từ đó đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm chưa thành niên phát sinh. Việc tăng mức hình phạt hay giảm tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên không phải là giải pháp khả thi và hiệu quả, mà đôi khi còn phản tác dụng", luật sư Đào Thị Bích Liên đưa ý kiến.