Vụ kiện đòi giữ họ sau kết hôn thu hút ngày càng nhiều sự ủng hộ ở Nhật Bản

Nhu Thụy
27/03/2024 - 12:58
Vụ kiện đòi giữ họ sau kết hôn thu hút ngày càng nhiều sự ủng hộ ở Nhật Bản

Nguyên đơn Megumi Ueda phát biểu

Mới đây, 6 cặp vợ chồng tại Nhật Bản đã đệ đơn kiện Chính phủ nước này nhằm đòi quyền được giữ họ của mình sau khi kết hôn. Vụ kiện này ngày càng nhận được sự ủng hộ trong dân chúng Nhật Bản.

Những rắc rối về thủ tục hành chính

5 cặp đôi nộp đơn kiện lên tòa án Tokyo và đôi thứ 6 nộp đơn ở Sapporo, miền Bắc Nhật Bản, nhằm đòi quyền được giữ họ riêng của mình sau khi kết hôn. Theo một tuyên bố, vụ kiện nhằm mục đích "xác nhận tính bất hợp pháp của việc Chính phủ không sửa đổi luật" và đòi bồi thường 500.000 Yen (tương đương gần 84 triệu đồng) cho mỗi nguyên đơn.

Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới quy định vợ chồng phải cùng họ. Điều 750 của Bộ luật Dân sự Nhật Bản buộc một trong hai người sau khi kết hôn phải đổi họ. Điều luật này được thông qua lần đầu tiên vào cuối những năm 1898, thời Minh Trị (1868-1912) khi Nhật Bản chính thức hóa hệ thống gia đình phụ hệ. 95% phụ nữ phải từ bỏ họ khai sinh của mình để đổi sang họ của chồng dù người vợ không muốn.

Cô Masami Kittaka, luật sư của nguyên đơn, phát biểu: "Tôi nghĩ luật Dân sự có hiệu lực từ cách đây 77 năm, bây giờ cần được sửa đổi". Còn luật sư Makiko Terahara nói: "Ở những nước khác, họ của một người và hôn nhân không phải quan hệ đánh đổi nhưng ở Nhật Bản, nếu chọn cái này, bạn phải từ bỏ cái kia".

Trong khi đó, nguyên đơn Megumi Ueda cho biết: "Hơn 50 năm qua, nhiều người chờ đợi sự thay đổi. Tuy nhiên, Quốc hội Nhật Bản vẫn chưa có chuyển biến. Tôi đã chờ đợi rất lâu rồi".

Các cặp đôi giơ khẩu hiệu yêu cầu được giữ họ của mình trước tòa án Tokyo ngày 8/3 vừa qua

Các cặp đôi giơ khẩu hiệu yêu cầu được giữ họ của mình trước tòa án Tokyo ngày 8/3 vừa qua

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người kêu gọi chính phủ sửa luật, cho phép vợ chồng giữ lại họ riêng. Tháng trước, Masakazu Tokura, người đứng đầu Keidanren, một tổ chức vận động hành lang có ảnh hưởng ở Nhật Bản, tuyên bố ủng hộ người dân được quyền lựa chọn giữ họ riêng hay theo họ vợ hoặc chồng. Các nhà vận động cho biết, ngoài vấn đề thủ tục hành chính gây đau đầu khi phải đổi tên trong mọi thứ, từ hộ chiếu đến tài khoản ngân hàng, điều này còn gây ra nhiều vấn đề cho những phụ nữ đã có sự nghiệp ổn định. 

Đối với phụ nữ Nhật Bản, "cơn ác mộng" hành chính sẽ xuất hiện khi kết hôn. Một nữ nhân viên văn phòng đến từ Tokyo cho biết, cô đã phải thực hiện hàng chục giấy tờ hành chính để đổi tên trên hộ chiếu và các tài liệu khác, cũng như cập nhật tên tài khoản mạng xã hội của mình. 

"Việc đó rất tốn thời gian và bất tiện. Nhưng điều rắc rối lớn nhất là họ của tôi trên hộ khẩu cũng bị đổi sang họ của chồng. Điều đó có nghĩa tôi phải đi giải thích với nhà tuyển dụng khi muốn được gọi bằng họ tên thời con gái ở nơi làm việc", cô Akiko Saikawa cho biết.

Các cặp đôi sống chung mà không kết hôn còn bị ảnh hưởng một loạt quyền, bao gồm cả những quyền liên quan đến con cái, quyền thừa kế và vấn đề thuế.

Áp lực đòi sửa đổi luật

Tòa án Tối cao Nhật Bản đã 3 lần ra phán quyết vào các năm 2015, 2019 và 2021 rằng, luật hiện hành là hợp hiến. Thế nhưng, tòa cũng kêu gọi các nhà lập pháp thảo luận về một dự luật giải quyết những yêu cầu ngày càng tăng về việc phải linh hoạt trong vấn đề họ sau hôn nhân.

Kể từ năm 2018, Naho Ida, một chuyên gia PR ở Tokyo, đã quyết tâm vận động các nghị sĩ ủng hộ phụ nữ được giữ họ của mình sau kết hôn thông qua nhóm vận động Chinjyo Action của cô. Xã hội Nhật Bản có vẻ cởi mở với sự thay đổi này. Một cuộc khảo sát của Chinjyo Action và Đại học Waseda cho thấy, 71% người được hỏi ủng hộ việc cho mọi người quyền lựa chọn. Cô Naho đấu tranh đòi sửa luật sau khi phải trải qua quy trình đổi họ phức tạp trong 2 cuộc hôn nhân. Cô giải thích: "Để đổi họ, tôi phải tiến hành hơn 100 thủ tục hành chính tại nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có tài khoản ngân hàng, hộ chiếu và thẻ tín dụng. Tôi thấy mình mất hết lòng tự trọng và bản sắc cá nhân. Tôi nghĩ thật bất công là chúng tôi phải chọn một họ cho một gia đình. Việc giữ hay bỏ họ khai sinh là quyền cá nhân".

Bên cạnh sự bất tiện và phiền hà, các nhà hoạt động cho rằng, việc nhất quyết bắt vợ chồng phải dùng chung họ là một dấu hiệu cho thấy Nhật Bản thiếu tiến bộ về bình đẳng giới. Giáo sư Machiko Osawa, chuyên gia về kinh tế lao động tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản, cho rằng sự thiếu tiến bộ này bắt nguồn từ "tư tưởng gia trưởng lỗi thời".

Áp lực phải thay đổi đang tăng lên, không chỉ đến từ các nhà vận động nhân quyền mà còn từ các lãnh đạo doanh nghiệp, những người cho rằng quy định này đang cản trở các công ty Nhật Bản kinh doanh ở nước ngoài. Theo khảo sát năm 2022 do Viện Quản lý Lao động tiến hành, gần 84% công ty Nhật Bản cho phép phụ nữ giữ họ thời con gái ở nơi làm việc nhưng họ cần bổ sung giấy tờ xác nhận nhân thân khi đi công tác nước ngoài. Đây là một điều gây nhiều rắc rối. "Tôi muốn vấn đề này được đặt lên hàng đầu để hỗ trợ công việc của phụ nữ", Masakazu Tokura, một chủ doanh nghiệp, nói.

Nguồn: Japan Times, BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm