Vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên: Vẫn tranh cãi về công sức đóng góp

20/02/2019 - 20:39
Chiều 20/2, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên bước vào buổi làm việc thứ 2. Diễn biến của phiên tòa vẫn ở phần hỏi đáp và hai bên tiếp tục tranh luận về công sức đóng góp cũng như tỉ lệ phân chia tài sản.

Cụ thể, bà Lê Hoàng Diệp Thảo dẫn ra các chứng từ ngân hàng thể hiện sự đóng góp từ ngày đầu, trong khi ông Vũ tránh trả lời trực tiếp về nguồn gốc góp vốn tại Trung Nguyên. Ngoài ra, phía đại diện ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề xuất 70% cho ông Vũ và 30% cho bà Thảo.

 

Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm

 

Tranh luận về việc quản lý công ty và nuôi dạy con như thế nào trong 5 năm

Mở đầu phiên tòa buổi chiều, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng, từ cuối năm 2013 đến nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không hề tham gia một chút nào trong việc nuôi nấng, dạy dỗ 4 người con chung của vợ chồng. Bên cạnh đó, ông Vũ hầu như cũng không tham gia điều hành các công việc của Tập đoàn Trung Nguyên mà ủy quyền cho một số người khác. Chính vì vậy, Tập đoàn rơi vào vòng xoáy kiện tụng, tranh chấp và kết quả kinh doanh đi xuống rõ rệt.

 

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (bìa phải) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/2

Đáp lại lời bà Thảo, ông Vũ cho rằng việc quản lý công ty như thế nào là do tầm của người lãnh đạo, còn việc Tập đoàn sa sút mấy năm qua lỗi chính là do bà Thảo, nhưng ông Vũ cũng không cung cấp được chứng cứ cụ thể nào.

Nói về việc mình không chăm sóc con, không chu cấp cho con, ông Vũ cho rằng cái lương tri của mình mới là quan trọng, còn việc đó đã có hai bên nội ngoại.

Phía bà Thảo đưa ra 3 ý kiến yêu cầu ông Vũ trả lời:

1. Từ năm 2013 cho tới nay, ông Vũ lên núi thiền thì việc chăm sóc các con và điều hành công ty được thực hiện như thế nào?

2. Ông Vũ đã chu cấp, nuôi dưỡng cho các con trong thời gian qua ra sao?

3. Bà Thảo quen biết ông Vũ từ năm 1994 khi ông Vũ còn là sinh viên nghèo, vậy ông Vũ đã góp vốn vào Trung Nguyên như thế nào và có chứng cứ gì chứng minh?

Tuy nhiên, các câu hỏi trên không được trả lời trực tiếp.

Những đóng góp đầu tiên tại Trung Nguyên: Bà Thảo dẫn bằng chứng, ông Vũ né trả lời

Về xuất phát điểm tài sản của Trung Nguyên, người đại diện của bà Thảo hỏi ông Vũ rằng trước khi hết hôn, ông Vũ có tài sản gì, trị giá bao nhiêu? Tuy nhiên, cả ông Vũ và những người đại diện cho ông Vũ và các luật sư bảo vệ cho ông Vũ đã không trả lời thẳng vào câu hỏi này.

Theo ông Vũ, tất cả những gì liên quan đến tiền bạc của Tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo không hề đóng góp một xu nào hết. Còn theo bà Lê Thị Ước (mẹ của ông Vũ), công ty của ông Vũ được thành lập vào năm 1995, lúc đó ông Vũ chưa lấy bà Thảo, nên không thể nói bà Thảo có cổ phần trong công ty này. “Cô Thảo không có đóng góp gì cho công ty hết, chỉ do con tôi làm ra, là của con tôi, của gia đình tôi”, bà Ước nói nhưng lại không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và những người đại diện của mình

Trong khi đó, đại diện bà Thảo cung cấp các chứng cứ chứng minh những đồng vốn đầu tiên của Trung Nguyên là từ bà Thảo, trong đó có cả phần tiền riêng của bà góp vốn thay cho 2 cổ đông là ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước (là cha và mẹ của ông Vũ). Cụ thể là những uỷ nhiệm chi của ngân hàng mà bà Thảo đã nộp vốn vào công ty thay cho ông Vũ và ba má chồng.

Ngược lại, khi phía bà Thảo hỏi phía ông Vũ về nguồn vốn góp được cho là từ gia đình ông Vũ thì các luật sư và ông Vũ không đưa ra được bằng chứng. Không trả lời trực tiếp những câu hỏi này, ông Vũ chuyển sang chủ đề về kế sách phát triển Trung Nguyên, linh hồn của Trung Nguyên.

Bổ sung cho những đóng góp của bà Thảo trong hành trình 20 năm sau khi khởi nghiệp, theo các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo, trước khi ông Vũ và bà Thảo kết hôn, tài sản riêng của ông Vũ hầu như không có gì đáng kể. Chỉ từ ngày kết hôn với bà Thảo, hai người đã chung tay xây dựng, phát triển Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty khác để tạo nên khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng như hôm nay. Vì vậy, có thể khẳng định khối tài sản đó là của chung vợ chồng, trong đó công sức của bà Thảo là rất lớn.

“Trong giai đoạn 2006 – 2014 là giai đoạn mà bà Thảo lãnh đạo điều hành, Tập đoàn Trung Nguyên đã phát triển mạnh mẽ. Doanh số tăng trưởng từ mức 1.223,6 tỷ đồng trong năm 2008 lên mức 4.177 tỷ đồng vào năm 2014. Cùng với tăng trưởng về doanh số, lợi nhuận sau thuế của Trung Nguyên cũng ở mức đỉnh cao, đặc biệt vào năm 2014 với lợi nhuận sau thuế là 1.193,1 tỷ đồng…”, một luật sư của bà Thảo cho biết.

Còn theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, công sức đóng góp của bà Thảo vào việc phát triển Tập đoàn Trung Nguyên là rõ ràng, nhưng kể cả nếu như bà Thảo chỉ ở nhà chăm sóc con cái để cho ông Vũ phát triển sự nghiệp, thì khi ly hôn, về nguyên tắc bà Thảo cũng có quyền thừa hưởng 50% khối tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, việc các luật sư bảo vệ cho ông Vũ đưa ra mức chia tài sản theo tỉ lệ ông Vũ 70%, bà Thảo 30% là vô lý…

Phương án chia tài sản: Ông Vũ đề nghị giữ 70%, bà Thảo nhận 30% cổ phần Trung Nguyên và chuyển bằng tiền mặt

Liên quan đến việc chăm sóc và cấp dưỡng cho 4 người con, luật sư của bà Thảo đã gửi tới Toà lá thư của 4 người con, trong đó đề nghị ông Vũ chia cổ phần để kế thừa sản nghiệp của cha mẹ, nhưng ông Vũ kiên quyết từ chối.

Về phương án phân chia tài sản, các luật sư của Trung Nguyên yêu cầu chia 70% cho ông Vũ và 30% cho bà Thảo, đồng thời đề nghị tách Công ty Trung Nguyên Singapore ra khỏi vụ kiện ly hôn, dù trên thực tế, Toà án Singapore đã đình chỉ vụ kiện này để Toà án Việt Nam giải quyết. Phản biện đề nghị này, các luật sư của bà Thảo cho rằng việc này nhằm gây khó khăn cho bà Thảo và khiến cho các tranh chấp tại Trung Nguyên sẽ tiếp tục kéo dài.

Khi được luật sư bảo vệ cho bà Thảo hỏi về việc đề nghị phân chia tài sản theo tỷ lệ 70 – 30 có phải là ý của mình không, ông Vũ cho rằng: Tôi đã trả lời, cái gì không phải của cô thì đừng giành giật. Trung Nguyên là của gia đình này, linh hồn của nó là tôi, không thể bịa ra khác được. Tranh giành tiền với quyền để làm gì?

 

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Infonet

 

“Muốn cả 2 xóa hết tranh chấp và góp sức để công ty tiếp tục phát triển”

Phát biểu trước tòa về vụ án này, bà Thảo nói: “Tôi quen anh Vũ từ năm 1994, dù biết gia đình anh rất nghèo. Tài sản anh có khi ấy là khát khao, là ý chí muốn đổi đời cho gia đình mình.

Đến giờ, bản thân tôi luôn muốn có cơ hội hàn gắn để các con có cha có mẹ, có một gia đình đầy đủ. Tôi đã hy sinh rất nhiều cho các con của mình và sẵn sàng hy sinh lớn hơn nữa để anh Vũ đồng ý, để gia đình có cơ hội đoàn tụ, để các con có cha, có mẹ.

Đã sinh ra các con, tôi luôn mong muốn cho các con có một gia đình đầy đủ. Cuối năm 2013, sau khi anh Vũ tu 49 ngày thì anh ấy ko còn khái niệm về gia đình, coi mình như ở trên trời và đó là thời điểm tôi bắt đầu biết gia đình mình rơi vào vòng nguy hiểm, công ty bắt đầu bị một số người ngoài thao túng. Vì vậy, điều tiên quyết tôi nghĩ đến là phải đưa cái đơn ly hôn này ra để bảo vệ tài sản của gia đình, cho các con mình. Việc anh Vũ 5 năm ở trên núi và không quan tâm gì đến công ty thì đó là một việc rất nguy hiểm, còn bản thân tôi lại luôn rơi vào vòng xoáy hết vụ kiện này đến vụ kiện khác do một số người làm.

Nếu có cơ hội, tôi luôn mong muốn mình được trở về thời điểm trước năm 2014 để tiếp tục giữ vai trò và tham gia công việc như cũ. Nếu anh Vũ đồng ý, tôi mong muốn cả hai xóa hết mọi tranh chấp và góp sức để đưa công ty tiếp tục phát triển”...

Ngày mai, 21/2, phiên tòa tiếp tục diễn ra. PNVN sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm