Tặng vợ đừng tặng điện thoại

22/09/2015 - 08:10
Mùa hạ năm ngoái, nhân kỷ niệm 3 năm ngày cưới, tôi quyết định mua một chiếc smartphone xịn trên chục triệu đồng để làm quà tặng vợ.
Trước đó, nhiều năm liền vợ tôi chỉ dùng điện thoại “cục gạch”. Bởi vậy, khi nhìn thấy món quà của chồng, khỏi phải nói vẻ mặt cô ấy ngạc nhiên, rạng rỡ và hân hoan đến chừng nào. Vợ vui, tôi cũng vui, có chút tự hào về bản thân, thấy mình đã quyết định đúng đắn khi tặng vợ món quà có giá trị về vật chất và tinh thần nhiều đến vậy.

Nhìn vợ vui mừng vì món quà tôi cũng thấy thích thích và tự hào

Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 tuần sau khi tặng điện thoại cho vợ, tôi đã thấy đây thực sự là một sai lầm lớn. Nó trở thành đối tượng để tôi thường xuyên cảm thấy ấm ức, bực tức và thậm chí còn ghen tuông. Kể từ ngày có chiếc điện thoại đẹp, cô ấy tỏ ra yêu quý nó một cách bất thường. Cô ấy gọi nó là “dế yêu”. Cô ấy tự ý đi mua thêm nào là bao da kèm nhiều phụ kiện để trang trí, làm đẹp cho nó. Ban đầu, cô ấy dành nhiều thời gian cho nó với lý do: “Em phải tìm hiểu, nghiên cứu để biết cách sử dụng”. Thế là, lúc ăn cơm cô ấy cũng tranh thủ lướt trên màn hình. Khi đi làm, quên gì cũng được chứ đã quên điện thoại lại phải quay về lấy. Đêm khuya, khi tôi đã ngủ được một giấc rồi, tỉnh dậy vẫn thấy vợ nằm bên cạnh đang hí hoáy chiếc điện thoại. Khi tôi hay đám trẻ con trong nhà có hỏi mượn xem một chút, cô ấy từ chối một cách thẳng thừng: “Không, nhỡ làm nó hỏng thì sao”...
***
Sau quãng thời gian làm quen, nghiên cứu chiếc điện thoại thông minh, vợ tôi bắt đầu gia nhập facebook. Trước đó, tôi từng nghe người ta nói nhiều về việc “nghiện phây” nhưng phải đến khi chứng kiến vợ “chơi phây”, tôi mới thực sự hiểu hết ý nghĩa của “vấn nạn” này. Sáng, ngủ dậy, cô ấy đã vồ lấy máy để “vào phây”. Lúc đi làm cũng liên tục thấy online. Tối về nhà, vừa làm việc nhà, cô ấy vừa “ngó phây”. Khi đêm muộn vẫn thấy cô ấy say sưa, cười tủm tỉm, thích thú với “phây”. Cô ấy không chỉ dành nhiều thời gian để theo dõi, nhấn “like” với tất cả những trạng thái, hình ảnh, lời bình luận của bạn bè trên “phây” mà còn cập nhật liên tục đủ mọi hành động, suy nghĩ, hình ảnh của bản thân và gia đình lên đó. Vợ chồng cãi nhau, cô ấy đưa lời than lên “phây”. Không chỉ ra hàng quán ăn món ngon mà thậm chí bữa ăn đơn giản ở nhà thôi cũng được cô ấy trịnh trọng chụp hình đăng lên “phây”.

 Chiếc điện thoại đẩy mối quan hệ của vợ chồng tôi đến bờ vực thẳm

Cuối tuần, thay vì về nội, ngoại, đi thăm hỏi bạn bè thì cô ấy luôn hào hứng với việc đi chơi, đi picnic, đi shopping để có nhiều cơ hội chụp hình mà khoe trên “phây”. Cái cảnh lúc nào cũng nhìn thấy vợ, khi thì cắm mặt vào điện thoại, lúc thì giơ giơ nó ra trước mặt để “tự sướng” dưới sự trợ giúp của camera 360 rồi tung lên “phây”, rồi đợi những lời bình luận, tán tỉnh của thiên hạ... ở mọi lúc, mọi nơi thì đến thánh cũng phải bực mình. Đã nhiều lần tôi tìm kế cách li vợ khỏi “dế yêu” nhưng không được. Tôi góp ý thẳng: “Em đắm đuối với cái điện thoại ít thôi” nhưng không xong. Tôi bày tỏ thái độ cáu bẳn, bực tức, không hài lòng thì mối quan hệ vợ chồng lại càng căng thẳng. Nhiều lúc tôi có cảm giác vắng chồng, cô ấy có thể chịu đựng được chứ vắng cái “dế yêu” là cô ấy không thể nào chịu được!
***
Gần đây, đọc báo, tôi thấy bảo những người yêu thích điện thoại, sử dụng nó quá nhiều, chơi facebook nhiều, dùng điện thoại để chụp ảnh tự sướng nhiều... rất có thể đang tiềm ẩn một căn bệnh liên quan đến tâm lý hoặc có nguy cơ mắc bệnh tâm thần. Tôi hơi hoảng. Có lẽ, sắp tới, để chấm dứt cơn nghiện “dế yêu” của vợ, tôi sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong cách cải thiện môi trường giao tiếp, không gian sống của gia đình. Tôi sẽ nghiêm khắc hơn trong việc ngăn cản cô ấy, thậm chí là tìm cách chặn mạng hoặc đập vỡ món quà tôi từng tặng vợ. Cũng có thể tôi cần phải tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý để được tư vấn, cho lời khuyên đúng đắn hơn nhằm đối phó với “cơn nghiện dế” của vợ.

Mẹo nhỏ giúp “cai” điện thoại
- Đưa ra bằng chứng cụ thể, thuyết phục về những tác hại từ việc nghiện điện thoại.
- Cài một số phần mềm ngắt kết nối mạng xã hội trên điện thoại.
- Cải thiện môi trường giao tiếp, tương tác trong gia đình.
- Tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm