Vụ người vợ hơn 2 năm đấu tranh đòi quyền nuôi con: Hành vi của người chồng là vi phạm pháp luật

Nguyễn Văn Duẩn
21/06/2023 - 08:30
Vụ người vợ hơn 2 năm đấu tranh đòi quyền nuôi con: Hành vi của người chồng là vi phạm pháp luật

Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá hành vi ngăn cản người vợ thăm nom, chăm sóc con chung của người chồng là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật gia cho rằng, việc người chồng ngăn cản người vợ thăm nom, chăm sóc con chung là hành vi vi phạm pháp luật.

Người mẹ trẻ hơn 2 năm đấu tranh đòi quyền nuôi con

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn là chị N.T.H. (34 tuổi, trú tại Hà Nội) và bị đơn là anh T.Q.T. (34 tuổi, trú tại Hà Nội). Phiên tòa được mở sau khi anh T. có đơn kháng cáo phán quyết của TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Trong kháng cáo, anh T. đề nghị tòa xem xét trao quyền nuôi dưỡng người con chung cho mình.

Theo nội dung vụ việc, năm 2017, qua tìm hiểu, chị H. kết hôn với anh T.Q.T. Sau đó hơn 2 năm, chị H. và anh T. có với nhau một người con chung là cháu T.G.K. Khi cháu K. được 3 tháng tuổi, giữa vợ chồng chị H. nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Trong thời gian này, anh T. đã nhiều lần đơn phương đòi ly hôn.

Đến tháng 11/2020, mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khiến vợ chồng chị H. - anh T. phải đi đến quyết định sống ly thân. Cháu K. được chị H. đưa về sống cùng với bố mẹ đẻ tại một khu đô thị trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Theo chị H. chia sẻ, vào ngày 12/1/2021, anh T. cùng bố mẹ đẻ nhân lúc chị H. đi làm đã trèo tường, đột nhập vào nhà và bế cháu K. đưa về nơi ở của gia đình và giữ cháu từ đó cho đến nay. Sự việc sau đó được chị H. trình báo đến cơ quan công an nhưng không được giải quyết.

Cậy nhờ pháp luật không được, chị H. cùng bố mẹ đẻ đã nhiều lần tìm đến gặp chồng và bố mẹ chồng thương lượng theo hướng hòa bình để hai bên có thể cùng chăm sóc, nuôi dưỡng con. Thế nhưng, nguyện vọng của chị H. bị anh T. phũ phàng khước từ.

Để tránh chị H. đến tìm con, anh T. và người thân đã mang theo cháu bé rời nhà đến một nơi cư trú khác. Bất lực, chị H. lại viết và gửi hàng chục lá đơn kêu cứu đến chính quyền, cơ quan công an và các tổ chức đoàn thể địa phương để nhờ sự giúp đỡ tìm lại đứa con mà chị đứt ruột sinh ra.

Bẵng đi gần 1 tháng, anh T. gửi đơn đến TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để được ly hôn với chị H. Biết không thể cứu vãn được cuộc hôn nhân hiện tại, một ngày sau đó, người mẹ trẻ cũng có đơn gửi lên tòa án với hy vọng có thể nhờ sự công minh của cơ quan xét xử để giành lại quyền nuôi con. Tuy nhiên, phiên tòa đơn thuần để giải quyết việc ly hôn lại bị liên tiếp bị hoãn.

Giữa tháng 10/2022,  TAND quận Hai Bà Trưng đã mở phiên tòa giải quyết việc ly hôn giữa chị H. và anh T. Tại bản án sơ thẩm, HĐXX TAND quận Hai Bà Trưng nhận định chị H. và anh T. có 1 con chung. Hai người đều có nguyện vọng được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.

HĐXX xét thấy, thời điểm hiện tại, anh T. và chị H. đều có chỗ ở, nghề nghiệp và thu nhập ổn định nên xác định đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con chung. Tuy nhiên, theo quy định, con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ trực tiếp nuôi nên việc giao cháu bé cho chị H. trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục là phù hợp… Anh T. có quyền và nghĩa vụ thăm nom con, không ai được cản trở.

Ngày tòa án đưa ra phán quyết những tưởng là ngày chị H. được gặp lại con trai sau bao năm tháng xa cách nhưng phía anh T. vẫn tiếp tục giữ cháu bé. Anh T. sau đó đã làm đơn kháng cáo phán quyết của TAND quận Hai Bà Trưng đến TAND TP Hà Nội.

Nội dung kháng cáo sau đó được TAND TP Hà Nội tiếp nhận thụ lý hồ sơ phúc thẩm. Giữa tháng 3/2023, phiên tòa phúc thẩm được mở nhưng sau đó tạm hoãn. Trong thời gian chờ ngày mở lại phiên xử, chị H. và anh T. đã đồng ý thỏa thuận để chị H. được đón và chăm sóc con.

Tại phiên xét xử phúc thẩm mới đây, vị đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho biết, việc giao quyền nuôi con chung cho bố hay mẹ xuất phát từ quyền lợi của con. Qua chứng minh thu nhập cũng như nơi ăn, ở thấy rằng, cả chị H. và anh T. đều có công việc và thu nhập ổn định, điều kiện chăm sóc của 2 bên ngang nhau, nguyện vọng nuôi con của 2 anh chị là hoàn toàn chính đáng.

Theo đại diện Viện KSND TP Hà Nội, anh T. có đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh việc bản thân không ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc con của chị H. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và hỏi đáp tại phiên xử, Viện Kiểm sát nhận thấy việc chị H. phản ánh anh T. có hành vi ngăn cản quyền chăm sóc, thăm nom cháu bé là có cơ sở. Việc này khiến cháu bé mất đi quyền được mẹ chăm sóc, quyền được nâng niu. Hành vi này của anh T. đã vi phạm Luật Hôn nhân & Gia đình.

Từ những lập luận trên, vị đại diện Viện KSND TP Hà Nội nhận định, bản án sơ thẩm là phù hợp và đề nghị bác kháng cáo của anh T. Do phía bị đơn cung cấp thêm một số tình tiết mới nên HĐXX cần thời gian nghị án để xem xét tỏ tường vụ việc.

Ngăn cản việc thăm nom con cái là vi phạm pháp luật

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết bản thân ông rất đồng cảm, thấu hiểu cho quá trình giành quyền nuôi con của chị H. Theo ông An, chị H. đã rất vất vả, cầu cứu các cấp, ban ngành hơn 2 năm qua để được hỗ trợ, vào cuộc giúp đỡ vì bản thân chị bị anh T. ngăn cản quyền thăm, nuôi con chính đáng, trong khi cháu bé mới có hơn 11 tháng tuổi.

"Đặc biệt, trong vụ án này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã có công văn đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan có biện pháp hỗ trợ chị H. nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt nhất và quyền được sống chung với mẹ của cháu bé. Đồng thời, Hội LHPN phường Thanh Lương đã có những việc làm hỗ trợ chị H. trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho chị", ông An cho biết.

Cũng theo ông An, trong vụ án này, chị H. là người đáng được các cơ quan, ban ngành quan tâm vì yêu cầu của chị là chính đáng bởi tình mẫu tử thiêng liêng của chị dành cho con, vậy mà chị phải rời xa con khi cháu bé mới được gần 1 tuổi, để rồi hơn 2 năm người mẹ ấy khổ sở cầu cứu các cơ quan chức năng.

"Trong vụ việc này, tôi hy vọng phán quyết sắp tới của TAND TP Hà Nội sẽ là bác kháng cáo của anh T. và giữ nguyên bản án sơ thẩm về việc quyền nuôi con thuộc về chị H.", ông An chia sẻ.

Ở trong một diễn biến khác của vụ việc, ông An phân tích, việc anh T. có hành vi ngăn cản quá trình thăm nom con của chị H. là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều này xâm phạm đến quyền và lợi ích không chỉ đối với chị H. mà còn đối với cháu bé.

Ông An dẫn giải quy định tại Điều 70, 71 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định, quyền và nghĩa vụ của con là được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Bên cạnh đó, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

"Như vậy, khi chưa có quyết định có hiệu lực của tòa nhưng anh T. vẫn ngăn cản quá trình chăm sóc thăm nom con của chị H. là hành vi vi phạm pháp luật. Ngay cả khi có phán quyết có hiệu lực của tòa thì một trong các bên cũng không có quyền ngăn cản thăm nom, chăm sóc con theo khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định", ông An khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm