pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng: Do cán bộ xử lý nợ máy móc!
Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó TGĐ Ngân hàng Eximbank chia sẻ thông tin liên quan vụ việc tại buổi họp báo ngày 21/3/2024
Liên quan đến vụ việc khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu, sau 11 năm biến thành nợ xấu với số tiền "khủng", hơn 8,8 tỷ đồng, trao đổi tại buổi họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội tại TPHCM ngày 21/3/2024, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó TGĐ Ngân hàng Eximbank đã chia sẻ những vấn đề được dư luận quan tâm.
Ông Hoàng Vũ cho biết, thông thường, đối với quy trình xử lý nợ thẻ quá hạn, cán bộ xử lý nợ thẻ quá hạn của ngân hàng phải căn cứ tình hình nợ thẻ của khách hàng, đề xuất với lãnh đạo ngân hàng 1 mức thu lãi, thu phí phù hợp trước khi làm việc với khách hàng. Mức phí đề xuất phải được cấp lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt trước khi làm việc với khách hàng.
Đối với trường hợp vừa qua, ông Vũ thừa nhận cán bộ thực hiện xử lý nợ rất máy móc, không thực hiện các bước theo quy định (đề xuất với cấp có thẩm quyền về mức thu lãi, thu phí – PV), mà tự ý gửi văn bản thông báo đến khách hàng, dẫn đến sự bức xúc của khách hàng.
Theo ông Vũ, ngay sau khi sự việc xảy ra, phía ngân hàng Eximbank rất lấy làm tiếc và trực tiếp liên hệ, làm việc với khách hàng. Cụ thể, ngày 19/3/2024, đại diện ngân hàng đã có buổi làm việc với khách hàng tìm hướng giải quyết trên tinh thần hợp tác, chia sẻ. Hai bên đã thống nhất sẽ phối hợp làm việc giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý, hợp tình trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng nhà nước tại TPHCM cho biết, ngay sau khi nắm được sự việc, Ngân hàng nhà nước đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Eximbank xác minh và báo cáo 3 nội dung: Xác minh vụ việc; làm việc với khách hàng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng; Báo cáo về Ngân hàng nhà nước và thông tin cho dư luận được rõ.
Theo ông Tuấn, phía ngân hàng Eximbank đã có báo cáo Ngân hàng nhà nước, làm việc với khách hàng để nắm rõ sự việc. Liên quan đến con số nợ 8,5 triệu, sau 11 năm thành hơn 8,8 tỷ đồng, ông Tuấn cho rằng "bất kỳ ai nghe qua cũng đều thấy không hợp lý trong cách tính toán".
Với vai trò là đơn vị quản lý hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng, ông Anh Tuấn cho biết trong thời gian tới, ngân hàng nhà nước – TPHCM sẽ có chỉ đạo các đơn vị, chi nhánh rà soát lại các chủ thẻ, khách hàng để nắm được. Trường hợp khách hàng đã lâu không sử dụng thẻ hoặc có phát sinh trường hợp tương tự, các ngân hàng phải liên hệ, trao đổi với khách hàng để tìm sự thống nhất, thỏa thuận giữa khách hàng với ngân hàng, bảo đảm quyền, lợi ích của các bên.
Bên cạnh đó, ông Tuấn đề nghị các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ tín dụng phải tư vấn đầy đủ các nội dung chính của sản phẩm/dịch vụ được cung cấp cho khách hàng hiểu rõ. Ngoài ra, phải công khai biểu phí và chỉ được thu phí theo biểu phí đã công khai.
Trước đó, năm 2013, khách hàng Phạm Huy Anh (Quảng Ninh) mở thẻ Master Card tại Eximbank chi nhánh Quảng Ninh với hạn mức 10 triệu đồng.
Khách hàng này phát sinh 2 giao dịch thanh toán trong năm 2013. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu.
Đến năm 2017, khi đến một nhà băng khác vay vốn, khách hàng Huy Anh được nhân viên thông báo phát sinh hai giao dịch thẻ tín dụng năm 2013 với nợ gốc và lãi hơn 100 triệu đồng tại Eximbank.
Tháng 12/2017, khách hàng Huy Anh có văn bản khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Tiếp sau đó, Eximbank đã gửi văn bản thông báo khoản nợ lên tới hơn 8,8 tỉ đồng sau 11 năm.