Vụ nữ sinh tự tử tại Nghệ An: Có thể xem xét khởi tố hình sự?

14/03/2018 - 18:22
Để làm rõ có dấu hiệu tội phạm hay không trong trường hợp này, gia đình nạn nhân nên có đơn đề nghị gửi cơ quan CSĐT nơi nạn nhân cư trú. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận đơn và tổ chức tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc "Nữ sinh tự tử vì nghi bị đăng clip nhạy cảm lên mạng” tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) gây xôn xao dư luận thời gian qua, phóng viên PNVN đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên là cán bộ điều tra viên cao cấp, Công an TP Hà Nội, để làm rõ hơn vấn đề này.

Theo Thượng tá Vân chia sẻ: “Đối với nhận định ban đầu của cá nhân tôi, cái chết nào cũng đều có nguyên nhân đằng sau của nó và trong trường hợp này, sau nhiều ngày theo dõi thông tin trên báo chí, mạng xã hội tôi thấy rằng, có lẽ không có lý do gì để một nữ sinh đang tuổi ăn, tuổi lớn, ngoan ngoãn, hiền lành, biết vâng lời bố mẹ... lại có thể tìm cách quyên sinh như vậy, cho đến khi nhận được điện thoại của bạn nói về việc bị phát tán clip nhạy cảm trên mạng xã hội. Gia đình có thể làm đơn gửi cơ quan điều tra để xem xét, trả lại sự công bằng cho nạn nhân. Đồng thời, qua đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho những người đang sử dụng mạng xã hội”.

PV: Đối với trường này, có thể quy trách nhiệm cho người đăng, phát clip trên mạng xã hội hay không thưa ông?

Thượng tá Trịnh Kim Vân: Theo các quy định hiện hành, có thể khẳng định, người phát tán ảnh “nóng”, nhạy cảm, clip sex, văn hóa phẩm đồi trụy lên mạng là vi phạm pháp luật. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 253 BLHS về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Điều luật đã nêu rõ, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp: Vật phạm pháp có số lượng lớn; Phổ biến cho nhiều người; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Đối với người chưa thành niên; Gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 3 đến 30 triệu đồng.

pn.jpg
Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên là cán bộ điều tra viên cao cấp, Công an TP Hà Nội (ảnh nvcc)

Nếu mục đích của người phát tán ảnh, clip sex chỉ nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự của người trong ảnh, clip đó thì đối tượng thực hiện hành vi có thể bị khởi tố về tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS.

Điều luật này quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội nhiều lần, với nhiều người thì bị phạt tù từ 1 đên 3 năm.

Tuy vậy, trong trường hợp này, nạn nhân phải có đơn đề nghị khởi tố kẻ đã tung ảnh, clip nhạy cảm để xử lý theo quy định của pháp luật do đây thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi phát tán ảnh “nóng”, nhạy cảm, clip sex của người khác lên mạng sẽ bị xử lý hành chính.

Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nêu rõ, Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm vào mục đích tuyên truyền, kích động dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện cũng quy định xử phạt đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự: Người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người đó những chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu.

Do vậy, để xác định lỗi của người quay clip và phát tán trên mạng có cấu thành hành vi phạm tội hay không cần phải dựa vào nhiều yếu tố khác. Đối với trường hợp này, hậu quả của hành vi trên gây ra cho nạn nhân là rất nặng nề và để có căn cứ xử lý hình sự, trước hết cần phải có kết luận của giám định viên tư pháp về văn hóa, xem những clip, bức ảnh đã được đăng tải lên mạng có phải là văn hóa phẩm đồi trụy hay không? việc xác định clip thời lượng bao nhiêu? bao nhiêu người xem, truy cập, bình luận...

nu-sinh-tu-tu_nwfo.png
Hình ảnh được cho là nữ sinh hôn bạn trai trong lớp được đăng tải trên mạng xã hội trước khi xảy ra vụ việc đau lòng.

Mặt khác, điều luật còn đòi hỏi cơ quan chức năng xem người phát tán trước đây đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa, nếu có án tích về tội danh này thì đã xóa án tích chưa? nếu chưa xóa mà còn vi phạm?

Ngoài ra, theo Thượng tá Trịnh Kim Vân khuyến cáo: “Trong trường hợp bị đối tượng xấu tung ảnh “nóng”, clip sex lên mạng, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nạn nhân có quyền khởi kiện hoặc nhanh chóng trình báo tại cơ quan công an hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, truyền thông để thu thập chứng cứ, xử lý kịp thời, tránh trường hợp có những hành động dại dột để xảy ra những hậu quả đáng tiếc”.

PV: Đối với trường hợp này, nếu cơ quan chức năng làm rõ được việc đăng, phát clip lên mạng… ảnh hưởng đến tâm lý, khiến nạn nhân nghĩ quẩn và dẫn đến tự tử. Theo nhận định của ông, có thể khởi tố vụ án hay không? Và chủ thể, trang mạng đăng phát clip đó sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?.

Thượng tá Trịnh Kim Vân: Trong trường hợp cơ quan điều tra đã xác minh, thu thập đầy đủ các chứng cứ chứng minh có dấu hiệu tội phạm hình sự và thỏa mãn những yếu tố mà pháp luật quy định thì cơ quan điều tra sẽ ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng. phạm tội với tội danh: Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hay tội làm nhục người khác.

Và hồ sơ điều tra thu thập được thỏa mãn những yêu cầu mà pháp luật qui định thì tất nhiên chủ thể, trang mạng đăng phát tán clip đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước hành vi sai phạm của mình. Nặng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.

29025783_757927514411683_4238482192520445952_n.jpg
Hiện trường nơi phát hiện thi thể em L. trước khi bỏ nhà ra đi.

Tuy nhiên, nếu hành vi phát tán hình ảnh trên mạng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện... Bị tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính, buộc xóa bỏ các thông tin số đối với hành vi vi phạm.

Về trách nhiệm dân sự, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người đó những chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu.

PV: Trong trường hợp gia đình muốn làm đơn khởi kiện chủ thể đăng phát clip nhạy cảm khiến nữ sinh tự tử đến cơ quan CSĐT thì sẽ phải làm như thế nào thưa ông?

Thượng tá Trịnh Kim Vân: Để làm rõ có dấu hiệu tội phạm hay không?, với tội danh mà tôi đã nêu trên thì gia đình nạn nhân trước hết phải có đơn đề nghị  gửi cơ quan điều tra nơi nạn nhân cư trú. Cơ quan điều tra sẽ tiếp nhân đơn và tổ chức tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Quan điểm, đánh giá của cá nhân tôi thấy rằng: Vụ việc được phản ánh trên thêm một lần nữa cảnh báo về những hành vi hạ nhục người khác của một số bạn trẻ. Không chỉ đưa hình ảnh làm tổn thương người khác, nhiều bạn trẻ còn có suy nghĩ lệch lạc, tự phát tán các ảnh, video clip có nội dung mát mẻ, thậm chí còn khiêu dâm lên trang mạng với mục đích câu “like”, câu “view”…  có nhiều người truy cập, bình luận, mà không thấy được hết hệ quả đi kèm, khi mà chỉ một thời gian ngắn, những hình ảnh, clip này sẽ lan truyền nhanh chóng trên mạng internet.

Đặc biệt, trên một số trang mạng xã hội như  facebook, youtube… dễ dàng bắt gặp chủ nhân các trang mạng này thản nhiên đăng tải các hình ảnh “nóng”, hình ảnh cá nhân người khác trên giao diện trang mạng.

Hiện nay số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam có tỷ lệ rất cao đặc biệt là giới trẻ và internet có tốc độ lan truyền rất nhanh và khó kiểm soát, vì vậy việc tung ảnh nóng hay các clip khiêu dâm, phản cảm và có nội dung thiếu lành mạnh lên các trang mạng xã hội là hết sức nguy hại và gây tác động rất xấu đến tâm lý, suy nghĩ và hành động của giới trẻ, làm băng hoại các giá trị đạo đức xã hội, các nét đẹp văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó nó cũng cổ vũ cho lối sống buông thả và kích thích bạo lực, làm tội phạm gia tăng. Vấn đề này cần phải có các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, từ ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội, các hành vi đó cần bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Do vậy, để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra, bản thân chúng ta, nhất là giới trẻ khi sử dụng internet cần nhận thức rõ những hệ lụy khôn lường đi kèm với trào lưu phát tán ảnh, clip “nóng” lên mạng không đúng quy định như hiện nay. Về phía các gia đình có các con em đang ở tuổi học trò gặp phải những trường hợp mà bạn bè đưa ảnh lên mạng nên bình tĩnh không nên có những hành động, cử chỉ, lời nói xúc phạm đến con, em mình và nên tỏ ra thân thiện hơn, động viên hơn làm sao cho con em mình cảm thấy không bị ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ mà làm những điều tiêu cực, dại dột. 

Xin cảm ơn ông!

Trước đó, như PNVN đã đưa tin, vào đêm 10/3, gia đình em Hồ Thị L. (học sinh lớp 11), trú tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thấy con đi ra ngoài và không trở về, gọi điện thoại cũng không liên lạc được nên tổ chức đi tìm kiếm nhưng không thấy.

Đến sáng 11/3, một số người dân khi đi qua hồ nước thuộc xóm Nam Tiến, xã An Hòa phát hiện một thi thể nổi lên mặt nước nên đã tiến hành trục vớt và báo cáo với cơ quan chức năn. Nạn nhân sau đó được xác định là em Hồ Thị L.

Theo người nhà nạn nhân, trước đó em L. không có biểu hiện gì bất thường và có thể nguyên nhân dẫn đến việc em L. tự tử là do bị đăng clip không đúng sự thật trên mạng xã hội. 

Cũng vô cùng bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của của em L. một giáo viên của em L. chia sẻ: “Ngày 8/3 vừa qua, nhà trường tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ nên có cho phép học sinh đưa điện thoại đến lớp học. Tại lớp học của em L., trong lúc vui đùa, các em đã thách thức học sinh nam hôn học sinh nữ dẫn đến hành động như trong clip. Sau đó, trang mạng xã hội Songlamplus đăng tải, xuất bản video trên với tựa đề "Video học sinh cấp 3 Nghệ An bình thản hôn nhau trên lớp học". Rồi trang facebook Nghệ An - trang có hơn 1,2 triệu tài khoản facebook theo dõi đăng đường link video trên ở trang Songlamplus.vn”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm