Vụ Trưởng khoa luật, Chủ tịch HĐQT 1 bệnh viện bị tố đánh đập, cưỡng hiếp cô gái: Luật sư nói gì?

Nhóm PV
31/03/2022 - 22:56
Vụ Trưởng khoa luật, Chủ tịch HĐQT 1 bệnh viện bị tố đánh đập, cưỡng hiếp cô gái: Luật sư nói gì?

Ảnh minh họa

Những ngày qua, dư luận xôn xao về sự việc 1 Trưởng khoa của ĐH Luật Hà Nội, Chủ tịch HĐQT của 1 bệnh viện, bị tố có hành vi hiếp dâm, đe dọa tính mạng 1 cô gái trong thời gian dài. Theo các luật sư, nếu người đàn ông này đang là viên chức mà lại nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT 1 bệnh viện là vi phạm luật.

Trước những tố cáo trên, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có thông tin cung cấp cho cơ quan báo chí. Theo đó, Trường Đại học Luật Hà Nội xác nhận, đã nhận được đơn tố giác 1 Đảng viên có dấu hiệu vi phạm tư cách, đạo đức nhà giáo (đang là trưởng khoa) thuộc Đảng bộ Nhà trường.

Sau khi tiếp nhận, nhà trường đã giao cho các đơn vị chức năng trong trường tiếp nhận, thụ lý, xác minh, làm rõ và giải quyết theo thẩm quyền; đảm bảo khách quan, nghiêm minh, đúng quy định; kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có), không né tránh, không bao che.

Trao đổi với PV Báo PNVN, luật sư Trần Trực (Công ty Luật Khoa Tín), khẳng định: "Nếu những gì mà các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp là đúng thì việc một trưởng khoa của trường đại học công lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT là trái luật. Điều này quy định ở nhiều 3 đạo luật khác nhau".  

Như vậy, có thể kết luận người đang là viên chức nhưng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại 1 doanh nghiệp (bệnh viện tư nhân) là vi phạm quy định tại Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp.

"Dạy luật mà phạm luật phải xử lý nặng hơn bình thường"

Cũng theo luật sư Trần  Trực, nếu Trường ĐH Luật Hà Nội biết được viên chức thuộc trách nhiệm của mình quản lý vi phạm, thì cần tìm hiểu, làm rõ để xử lý trong thẩm quyền của mình, đồng thời công bố cho báo chí dư luận để thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình với xã hội, học viên.

Vụ Trưởng khoa luật, Chủ tịch HĐQT 1 bệnh viện bị tố đánh đập, cưỡng hiếp cô gái: Luật sư nói gì? - Ảnh 2.

Luật sư Trần Trực (Công ty luật Khoa Tín)

Theo quy định của Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng chống tham nhũng thì viên chức vẫn được phép góp vốn nhưng lại không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Quy định như vậy nhằm ngăn chặn viên chức lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi cho việc kinh doanh của mình.

Bản thân vị trưởng khoa là người hiểu biết về pháp luật, giảng dạy pháp luật, nếu có hành vi phạm luật thì trong quá trình xem xét trách nhiệm thì phải bị xử lý nặng hơn.

Đồng quan điểm với luật sư Trần Trực, luật sư Hoàng Thanh Sơn (Văn phòng luật sư Long Tâm, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đối với trường hợp nêu trên thì không đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Viên chức. Họ chỉ có quyền góp vốn, mua cổ phần của công ty cổ phần, công ty TNHH, nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty.

Đề nghị điều tra, xử lý nghiêm

Trước đó, phản ánh tới Báo PNVN, cô V.N.H, sinh năm 1998, cho biết, ông L.M.T., sinh năm 1972, trú tại phường Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) là Trưởng 1 khoa của Trường Đại học luật, Chủ tịch HĐQT 1 bệnh viện đã có các hành vi đe dọa khống chế, cưỡng hiếp và đánh đập cô trong thời gian dài.

V.N.H cho biết, ông L.M.T là đồng nghiệp của mẹ cô. Ban đầu ông này nhận là em kết nghĩa của mẹ H. Sau khi H. tốt nghiệp đại học, ông T. đã mời H. về làm việc trong bệnh viện nơi ông đang là Chủ tịch HĐQT.

"Trong một lần đi công tác, ông L.M.T. đã chuốc rượu say và cưỡng hiếp tôi. Từ đó, ông đã khống chế tôi, ép tôi bước vào mối quan hệ không chính thức với ông ta. Ông ta bạo hành tinh thần tôi, dọa sẽ tung clip nóng và phá hỏng danh dự của tôi nếu như tôi không đồng ý. Mặt khác lại dùng các lời lẽ ngọt ngào, khẳng định tình yêu với tôi, "do yêu nên mới làm như vậy". Tôi sợ ảnh hưởng tới danh tiếng nên không dám lên tiếng. Đến ngày 26/1/2022, không thể chịu đựng thêm nữa, tôi đã chủ động hẹn ông T. để nói chuyện và yêu cầu dừng lại. Nhưng ông T. đã đánh đập, bạo hành tôi. Sau đó, ông T. đã bắt tôi phải vào khách sạn, hãm hiếp tôi 2 lần, ông ta lấy nắp bồn cầu làm hung khí, dọa sẽ phang tôi chết nếu tôi dám phản kháng", V.N.H tố cáo.

Trước sự việc trên, Hội LHPN TP Hà Nội đã có công văn đề nghị Công an TP Hà Nội điều tra, xử lý nghiêm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chị V.N.H. theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức năm 2010 thì viên chức: "Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác".

Ngoài ra tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định:

"2. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:

b) Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác".

Người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được liệt kê bao gồm nhóm cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp như sau:

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm