Cách đây không lâu, trên các phương tiện truyền thông đại chúng xôn xao về một vụ án liên quan đến một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Liên (SN 1960) trú tại xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã “Đoạt mạng chồng vì… ép yêu”. Theo tin từ báo chí, đây là hậu quả của việc do ông chồng khó ngủ, muốn âu yếm. Bà Liên đã không đồng ý, không chiều chồng nên dẫn đến việc xô xát và bà đã lấy cuốc đánh lại chồng khiến ông này tử vong. Ngay sau đám tang người chồng, bà Liên bị tố cáo, bị công an bắt giữ, điều tra và sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Tương tự, đó là vụ việc của chị Bùi Thị Son (Long Biên, Hà Nội). Chị sinh 2 lần đều là con gái. Chồng chị là con trai độc đinh của dòng họ. Khi chồng, gia đình nhà chồng phân tích, thúc ép vợ phải đẻ tiếp, phải được con trai để nối dõi thì chị Son từ chối vì cho rằng sức khoẻ không tốt, công việc của chị đang trong đà thuận lợi, chị lo nếu đẻ tiếp vẫn là con gái... Trước thái độ cương quyết của chị, chồng và gia đình nhà chồng đã lên án chị một cách mạnh mẽ cho rằng "Không thể chấp nhận được", "không nghe lời chồng và gia đình", "không biết cư xử cho phải phép", “con dâu mà láo” ...
Một lần, khi vợ chồng mâu thuẫn, xô xát, chị Son đã phản kháng, dùng gạch tấn công vào đầu chồng khiến anh này bị tổn thương về thần kinh nặng. Ngay lập tức, chị bị cả gia đình nhà chồng đuổi ra khỏi nhà trong tình trạng “tay trắng”, không con cái, không tài sản… Thậm chí, sau đó chị còn phải đối mặt với nguy cơ bị ra hầu toà, bị vào tù vì gia đình nhà chồng đã gửi đơn kiện chị vì tội hành hung. Có người đã gọi vụ việc của chị là “Hành hung chồng vì… đẻ toàn con gái!”.
Trước đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người ta cũng đã qúa quen với hàng loạt những vụ việc được đăng tải thông qua các bài báo như “Mâu thuẫn với mẹ chồng, vợ giết chồng”, “Án mạng vì vợ từ chối yêu”, “Cãi nhau, vợ sát hại chồng”, “Giết vợ vì không cho tiền đi mua rượu”, “Thầy giáo mua dâm vì vợ không đáp ứng được nhu cầu”, “Mâu thuẫn vợ chồng vì sinh toàn con gái”, “Giết vợ vì không cho bán thóc”, “Giết vợ vì hai lít bia và một câu nói”…
Có thể nhận ra đây là những tít bài gây sốc, gây tò mò với người đọc. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ nhạy cảm giới thì cách đặt tít rất có vấn đề.
Nó khiến người ta chỉ biết đến hiện tượng bên ngoài của vấn đề mà không hiểu được bản chất của vấn đề hay động cơ đằng sau những hành vi đó là cả một hành trình dài người phụ nữ phải chịu đựng. Với chị Liên, khía cạnh chị từng bị chồng bạo hành thể chất, tinh thần, tình dục, phải sống trong lặng lẽ, câm nín suốt gần 30 năm đã bị che khuất đi. Với chị Son, việc chị phải sống trong khinh rẻ, áp lực, bị bạo lực tình dục, bị chồng và gia đình chồng hành hạ, đổ lỗi là sinh toàn con gái, bị chứng kiến chồng bồ bịch ngay trước mắt trong suốt một thời gian dài dường như bị làm mờ đi, không được tính đến…
Vẫn biết người gây ra tội thì sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, của lương tâm… song việc nhìn nhận, đưa tin theo kiểu nguyên nhân - hệ quả như trên đã phần nào vô tình chuyển đến người đọc một thông điệp rằng: Mâu thuẫn gia đình, bạo lực hay án mạng xảy ra là do những yếu tố khách quan, đột phát, bên ngoài tác động.
Đổ lỗi một cách rất vô lý cho phụ nữ (Ảnh minh họa) |
Nó đã không chỉ ra được rằng, đằng sau vụ việc, phần nhiều đều có căn nguyên từ tư tưởng gia trưởng, “chồng chúa - vợ tôi” và đàn ông luôn dựa vào sức mạnh, sự thống trị của mình để gây ra sự áp đặt, bạo hành với phụ nữ, khiến phụ nữ vượt quá ngưỡng chịu đựng, phải tự vệ, phản kháng…
Nó chỉ gieo vào trong ý nghĩ của nhiều người đọc rằng: Sự việc diễn ra là tại anh, tại ả. Nếu chị không đủ công dung ngôn hạnh thì sẽ là một phần nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn, bạo lực, tan vỡ gia đình! Nếu chị biết chịu nhịn, biết chiều chồng, biết ngoan ngoãn, biết đáp ứng nhu cầu, biết im lặng, biết nghe lời, biết cố gắng đẻ được con trai thì chị đã không bị đánh, đã không dẫn đến những hậu quả nặng nề như thế! Đây là những suy nghĩ đổ lỗi thực sự vô lý, rất cần thay đổi.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện gia đình và giới: “Trong thực tế hiện nay, tư tưởng “chồng chúa - vợ tôi” còn tồn tại một cách công khai hoặc ngấm ngầm nhưng khá nặng nề. Trong một nghiên cứu mới đây về vấn đề gia đình tại 4 tỉnh/thành phố, với câu hỏi “Trong trường hợp nào thì chồng có thể đánh vợ?”, kết quả vẫn có tới 11% số người được hỏi cho rằng chồng có thể được quyền đánh vợ nếu vợ không biết cư xử, ứng xử ; 41,2% số người được hỏi đồng ý cho rằng chồng được phép đánh vợ nếu vợ không ngoan ngoãn, nghe lời chồng, chung thuỷ…”. |