Hồi học lớp 1, con trai tôi đã “say” điện thoại đến nỗi, việc đầu tiên sau khi ngủ dậy là “ôm” điện thoại, say mê chơi. Mẹ giục ầm ầm đánh răng, rửa mặt, chuẩn bị ăn sáng và đi học nhưng con vẫn lờ đi vì quá “tập trung chuyên môn” vào điện thoại. Thời gian đó, con chủ yếu xem các kênh youtube. Sau này khi đã lớn hơn, con bắt đầu chơi trò chơi, âm thanh ầm ĩ, nghe rất đau đầu.
Lần nào đến bữa ăn hoặc giục con đi tắm, tôi đều cảm thấy vô cùng ức chế khi mẹ nói cứ nói, con bỏ ngoài tai và thản nhiên ngồi chơi. Có đôi lúc không kìm chế được, tôi giật phắt điện thoại trên tay con và quẳng vào tủ khóa lại. Báo hại, con lăn đùng ra khóc ăn vạ khiến bố mẹ chồng tôi chạy đến dỗ dành và sau đấy thì kiểu gì con cũng sẽ được ai đó trong nhà đưa cho điện thoại để nín khóc.
Để “lôi” con ra khỏi điện thoại, tôi đã phải tìm rất nhiều cách nhưng trong đó có cách tôi thấy thực sự hiệu quả. Đó là việc tôi thường xuyên đưa con đi chơi vào ngày nghỉ, đăng ký cho con tập bóng rổ sau giờ học... Có lẽ vì dành thời gian cho các hoạt động tích cực nên con dần quên việc “ôm” điện thoại mỗi ngày. Chỉ thi thoảng con mới cầm máy xem những đoạn clip ngắn và những lần này thì con đều chủ động mượn máy mọi người, chứ không tìm cách “trộm máy” để chơi như trước.