"Vương quốc" của những nữ tỉ phú chân đất

07/06/2017 - 09:20
Chưa đầy 20 năm, từ một xã nghèo, nhờ bàn tay và khối óc, những phụ nữ xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, đã biến vùng đất này thành địa phương giàu có bậc nhất trong cả nước.
Đến với nghề buôn rất tình cờ

Thuộc thành phố Bắc Giang nhưng xã Đồng Sơn lại nằm tách biệt với thành phố bởi con sông Thương hiền hòa. Mới được sáp nhập về thành phố Bắc Giang 5 năm nay nên về địa giới hành chính, Đồng Sơn vẫn gọi là xã và xã này được chia thành 6 thôn.

1.jpg
Thôn Đồng Sau là bộ mặt của xã Đồng Sơn với nhiều gia đình giàu có nhờ buôn bán

Là xã thuần nông nhưng Đồng Sơn rất giàu có. Vượt qua sông Thương, men theo con đường đê dẫn vào làng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những dãy nhà cao tầng được xây dựng kiểu cách chẳng kém cạnh các biệt thự đắt tiền trên phố.

Thôn Đồng Sau là bộ mặt của xã Đồng Sơn với nhiều gia đình giàu có nhờ buôn bán. Chị Trần Thị Hòa (SN 1974), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đồng Sau, cũng là một người buôn bán kỳ cựu ở xã, cho biết: Cả xã có hàng trăm phụ nữ đi buôn, chủ yếu buôn bán qua cửa khẩu Lạng Sơn. Riêng thôn Đồng Sau có khoảng 50 - 60 người. Mỗi người chuyên buôn một mặt hàng nhưng nhiều nhất là áo quần, vải vóc, giày dép, linh kiện điện thoại, đồ điện tử...

Cũng như nhiều hộ giàu có khác, ngôi biệt thự sang trọng của gia đình chị Hòa nằm nổi bật giữa thôn Đồng Sau. Nhìn vào cơ ngơi của chị, ít ai nghĩ rằng khoảng 10 năm trước, gia đình chị Hòa vẫn thuộc diện nghèo khó.

2.jpg
Một ngôi nhà cao tầng đang thi công

Chị Hòa cho biết, trước đây khi mới lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống vợ chồng chị rất khó khăn. Ngoài mấy sào ruộng, lúc nông nhàn vợ chồng chị Hòa làm thuê đủ thứ. Hết đi phụ hồ lại ra bờ sông Thương, nơi có nhiều lò gạch để gánh gạch thuê. Sau này, khi lò gạch bị dẹp, chị Hòa chuyển sang buôn bán gạo.

Chị mua thóc về xay xát, sau đó mang gạo lên Đồng Đăng (Lạng Sơn) bán. Ngày đó buôn bán rất khổ cực. Chị phải đi từ 3h sáng, mang gạo lên đến nơi rồi gánh bộ đi bán rong. Ngày nào chị cũng kẽo kẹt 50kg gạo trên vai. Có những hôm ế hàng, đợi bán hết trở về nhà đã là nửa đêm.

“Khổ nhất là bị cướp, bị trấn lột. Có những lúc tôi bị lấy hết gạo, hết tiền, chỉ biết ngồi khóc. Đi bán lãi chẳng được bao nhiêu nên phải nhịn đói, nhịn khát là chuyện bình thường”, chị Hòa nhớ lại.
Sau này, khi mang gạo đi bán, chị Hòa cùng những người bạn lại mua hàng về bán như: Áo quần, giày dép, khăn, tất... nên thu nhập khá hơn. Cũng kể từ đó, người xã Đồng Sơn rủ nhau đi buôn và bây giờ có đến hàng trăm phụ nữ đi buôn hàng Trung Quốc.

Theo chị Hòa, dù có thu nhập tốt nhưng để kiếm được đồng tiền cũng không dễ dàng. Bắt đầu rời làng từ 3-4h sáng, họ lên xe ngủ sau đó sang Trung Quốc lấy hàng, lấy xong lại vội vã trở về bán cho các đại lý ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các chị chỉ trở về nhà vào khoảng 7- 8h tối, ăn uống, tắm rửa, chốt sổ sách đã gần nửa đêm, ngủ 3-4 tiếng lại bắt đầu một ngày làm việc mới.

Bây giờ ngoài ngôi nhà đồ sộ, nhà chị Hòa còn mua được xe khách 45 chỗ ngồi để chở người làng lên cửa khẩu đi buôn. Trong nhà có nhiều vật dụng đắt tiền nhưng chị Hòa vẫn rất khiêm tốn: “Nhà tôi chỉ thuộc diện khá thôi. Ở xã Đồng Sơn còn rất nhiều phụ nữ buôn bán giỏi và giàu có”.

Vẫn giữ nếp nhà đầm ấm

Về xã Đồng Sơn, nếu muốn thấy hết sự giàu có của người dân xã này phải đến trung tâm UBND xã. Nơi đây, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng san sát, nhiều ngôi biệt thự khác cũng đang nô nức mọc lên. Chỉ vào ngôi nhà đồ sộ đã xây dựng xong phần thô, ngay gần trụ sở UBND xã, thuộc thôn Chùa, một người dân ở đây cho biết: Đấy là nhà của chị Tạ Thị Thơm. Mới 40 tuổi nhưng về độ giàu có thì cả xã Đồng Sơn không ai không biết đến chị Thơm.

5.jpg
Chị Trần Thị Hoa, một trong những hộ gia đình khá giả nhờ đi buôn

Cách nhà chị Thơm không xa là nhà của hàng chục nữ “đại gia” khác. Đó là gia đình chị Trịnh Thị Chiêm, chị Phạm Thị Kim, chị Trần Thị Doan, bà Tạ Thị Bình... Tất cả những phụ nữ này giàu nhờ đi buôn. Bấm đầu ngón tay để thống kê về những tỷ phú, triệu phú của xã mình, ông Tạ Quang Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Sơn, cho biết: “Cả xã có đến 7-10 tỷ phú, những hộ được xem là giàu thì không thống kê hết được”.

Có một điều đặc biệt, tất cả những tỷ phú, triệu phú ở xã Đồng Sơn đều là nữ. Họ cũng chẳng phải là nữ doanh nhân thành đạt mà tất cả đều xuất thân từ người nông dân chân lấm tay bùn. “Họ giàu lên nhờ đi buôn. Bộ mặt của xã này thay da đổi thịt là nhờ phụ nữ”, ông Chiến nhận định.

Bây giờ ở xã Đồng Sơn có 3 thôn trong tổng số 6 thôn có số phụ nữ đi buôn rất nhiều, gồm: Thôn Đồng Sau, thôn Chùa, thôn Sòi. Dù một ngày phải di chuyển khoảng 300km để lấy hàng mang về Việt Nam bán nhưng các phụ nữ ở Đồng Sơn đều sớm đi tối về.

Nếu như trước đây, những phụ nữ xã Đồng Sơn chỉ buôn bán quanh các tỉnh lân cận và Hà Nội, bây giờ họ bán khắp cả nước, vào tận Sài Gòn. Đồng Sơn giờ sánh ngang với Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) về số lượng hàng hóa được buôn bán qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và cả Móng Cái (Quảng Ninh). “Chúng tôi chỉ mong một ngày nào đó, xã Đồng Sơn cũng sẽ có một chợ trung tâm giống như Ninh Hiệp để người dân thuận tiện trong việc buôn bán”, chị Hòa chia sẻ.

Chị Khổng Minh Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Sơn, chia sẻ: “Những phụ nữ xã Đồng Sơn rất chịu thương, chịu khó, lại năng động. Chính thương trường đã khiến họ thay đổi. Từ những cá nhân buôn bán nhỏ lẻ, giờ phụ nữ trong xã kết hợp với nhau thành từng tổ, nhóm đi buôn. Người này giúp đỡ người kia, hàng trăm phụ nữ trong xã đi buôn, giờ ai cũng khá giả”. 

Có một điều mà người Đồng Sơn rất tự hào đó là dù lúc khó khăn hay khá giả, người dân nơi đây vẫn luôn giữ được nếp nhà đầm ấm, hạnh phúc. “Người phụ nữ là trụ cột kinh tế trong nhiều gia đình nhưng những người chồng ở đây cũng hỗ trợ rất nhiều cho chị em trong việc gia đình để vợ mình yên tâm buôn bán. Các gia đình có điều kiện, họ càng hạnh phúc, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn”, ông Chiến nói.

Trước khi chia tay Đồng Sơn, chị Hòa chia sẻ rằng, có những người chỉ qua một mùa đông, chuyên bán mũ, khăn, tất, găng tay nhưng cũng “kiếm” được 200 đến 300 triệu. Tất nhiên, số đó không nhiều nhưng điều này cũng lý giải vì sao Đồng Sơn lại có nhiều phụ nữ đi buôn và nhiều người giàu đến vậy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm