‘Vương quốc tiểu hổ’ suy tàn vì mèo đông lạnh

30/10/2018 - 14:22
TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) vốn được biết đến là thủ phủ của những quán tiểu hổ (thịt mèo). Các con phố như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Đại Hành, Lý Bôn vào thời kỳ "hoàng kim" san sát những quán thịt mèo. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các quán thưa khách dần và có khi... lặng lẽ biến mất.

Một số hộ chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, một vài nhà hàng vẫn kinh doanh ăn uống nhưng ngay trên biển hiệu, món thịt mèo giờ khiêm tốn được xếp xuống sau các món gà, cá, thỏ...

Phố Nguyễn Thái Học trước kia có đến gần chục quán chuyên thịt mèo các món, giờ chỉ còn lại duy nhất Nhà hàng Mèo Đ.Q và một điểm treo biển thu mua, giết mổ mèo thuê, song cũng khá đìu hiu, vắng vẻ.

 

Nhà hàng chuyên thịt mèo duy nhất còn sót lại trên phố Nguyễn Thái Học (TP Thái Bình) 
 
Điểm thu mua, giết mổ mèo ở TP Thái Bình vắng khách

 

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở trung tâm các huyện, thị khác như Đông Hưng, Hưng Hà, Thái Thụy... Những nơi này chỉ còn lác đác một vài quán thịt mèo. 

Anh Hào, chủ một nhà hàng ở cửa ngõ TP Thái Bình, cho biết, cách đây chục năm, thành phố rộ lên phong trào mở nhà hàng tiểu hổ. Chỉ riêng trung tâm thành phố đã có đến khoảng trên 30 nhà hàng phân bố khá dày đặc ở các phố: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Lý Bôn... Không chỉ thành phố mà các huyện lỵ cũng hưởng ứng "phong trào" mở nhà hàng thịt mèo. Mỗi nhà hàng có cả lồng lớn nhốt mèo sống, phía sân sau liên tục cảnh giết mổ, thui mèo...

 

Cảnh giết mổ thịt mèo ở một nhà hàng thời "hoàng kim"

 

Nhà hàng nào cũng đông nghịt khách. Không chỉ người Thái Bình, khách vãng lai nhiều nơi cũng tìm đến đây thưởng thức món đặc sản thịt mèo. Để đáp ứng nguyên liệu cho các nhà hàng, thương lái mở rộng mạng lưới thu mua khắp các tỉnh miền Bắc.

Cách đây khoảng 5 năm, giá mèo đang “lập đỉnh” cũng là lúc thương lái mở rộng địa bàn tìm kiếm nguyên liệu vào các tỉnh miền Trung, miền Nam.  Ở các tỉnh này, lượng người ăn thịt mèo không nhiều, giá mèo khá rẻ, chỉ bằng 30-50% so với các tỉnh phía Bắc. 

Thương lái thường thu mua mèo rồi tập kết ở cửa ngõ Sài Gòn. Tại đây mèo được đưa vào các lò mổ, sơ chế. Một lượng nhỏ thịt mèo được chuyển về chợ Tân Bình cung cấp cho những nhà hàng mới mở ra tại Sài Gòn, phần lớn còn lại được chuyển ra Bắc.

Thịt mèo sau khi sơ chế, cho vào thùng xốp chỉ việc chuyển vào cốp xe khách vận chuyển ra Bắc tìm đường về Thái Bình bán với giá chỉ bằng khoảng 70% giá mèo trên thị trường nên được nhiều nhà hàng ưa chuộng. Ban đầu họ chỉ pha chế, trà trộn vào nguồn nguyên liệu, bán cho khách vãng lai. Sau đó thấy lợi nhuận cao, họ tăng dần tỷ lệ mèo đông lạnh để chế biến cho khách hàng.

 

“Phù phép” thịt mèo đưa vào nhà hàng

Đoạn đường vận chuyển dài, thời gian vận chuyển lâu nên khó tránh việc thịt mèo bị ôi, thậm chí bốc mùi. Sau khi chuyển ra Bắc, thương lái bắt đầu “phù phép” để đưa vào nhà hàng.

Cách "truyền thống" và “có tâm” là rửa sạch bằng nước lã, sau đó dùng rượu, giấm trắng tẩy mùi. Tiếp theo là công đoạn ướp bằng thật nhiều gia vị như gừng, sả… Nhưng hiệu quả và nhanh nhất là cách dùng hóa chất. Với một lượng hóa chất tẩy rửa thịt ôi, thương lái sẽ xử lý thịt mèo rồi đem thui vàng bằng đèn khò.

Tuy nhiên, anh Hào cho biết, bất chấp việc các nhà hàng ra sức tẩy rửa, "phù phép" tẩm ướp các loại gia vị, thịt mèo ươn vẫn không thể thơm ngon như thịt mèo tươi được giết mổ tại chỗ.

Chính vì thế, sau một thời gian, thực khách cũng không quá khó khăn để nhận ra sự thay đổi của món đặc sản này và bắt đầu quay lưng lại. Mất khách, các nhà hàng dần dần trở nên "bết bát", nhiều nhà hàng phải chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. "Vương quốc tiểu hổ" cũng bắt đầu "suy tàn". Có đến 80% quán chuyên tiểu hổ đã biến mất khỏi những con phố quen thuộc của TP Thái Bình. Một số quán vẫn bán nhưng lượng thịt mèo chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ. Không còn những biển hiệu chuyên về thịt mèo, mà nhà hàng bán chung cả thịt gà, cá. Thịt mèo chỉ còn là thứ yếu phục vụ những khách vãng lai nhớ tiếc món đặc sản một thời.

 

Thịt mèo từ vị trí độc tôn giờ xuống cuối bảng sau gà, thỏ...

 

Với số nhà hàng chuyên thịt mèo ít ỏi còn lại, anh Hào kể, họ phải dựa vào lượng khách quen. Để lấy lòng tin của khách, chủ nhà hàng cũng phải lựa chọn thịt mèo tươi, không dám sử dụng mèo đông lạnh. 

Tuy nguồn cầu đã giảm nhưng vì lợi nhuận, những người thu mua, vận chuyển mèo đông lạnh từ biên giới miền Trung và các tỉnh/thành phía Nam vẫn tiếp tục hoạt động. Song, cách tiêu thụ của họ cũng đã thay đổi, chủ yếu bán cho những quầy hàng phân phối thịt mèo và đơn hàng chủ yếu là dùng cho đám cưới, đám hỏi, đám ma, tân gia...

Tại nhiều địa phương trong tỉnh Thái Bình, trên mâm cỗ đình đám vẫn không thể thiếu món thịt mèo. Tuy vậy, thực khách không quá khó tính, khi đến dự đám, dù thịt mèo ngon hay không thì họ cũng chẳng thể “kén chọn” như khách đến nhà hàng. Nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm từ món thịt mèo trên bàn cỗ cũng vì thế mà khó tránh khỏi.

 

Thịt mèo đông lạnh bị cơ quan chức năng bắt giữ
 

Ngày 20/10/2018, Tổ tuần tra giao thông thuộc Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên) đã phát hiện xe khách biển số Thái Bình do Trương Văn Thủy (35 tuổi, trú ở Thái Bình) điều khiển có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện khoang hành lý có 9 thùng xốp bọc kín, bên trong chứa hơn 900kg thịt mèo. Tài xế không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô hàng. Anh ta khai số thịt mèo đó được nhà xe nhận chở từ Đồng Nai ra Thái Bình tiêu thụ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm